Tháng 5 hàng năm được chọn là Tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Lễ phát động năm 2023, được Hội đồng ATVSLĐ tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức tại Hương Trà cuối tháng 4 vừa qua, với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc”.

Từ quy mô Tuần lễ quốc gia về An toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ, bắt đầu từ năm 2017 hoạt động này được nâng thành Tháng Hành động về ATVSLĐ theo Quyết định số 87 của Thủ tướng Chính phủ. Điều này cho thấy tầm quan trọng và sự quan tâm của Nhà nước nhằm đảm bảo ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ là yêu cầu hàng đầu đối với cả doanh nghiệp và người lao động. Đối với doanh nghiệp, đây vừa là yêu cầu bắt buộc vừa là mục tiêu hướng tới, có tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực tế, khi xảy ra tai nạn lao động hay cháy nổ, ngoài chi phí hỗ trợ, đền bù cho người lao động, chi phí khắc phục hậu quả không ít chủ doanh nghiệp vướng vòng lao lý do không chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ.

Đối với người lao động, được làm việc trong môi trường, điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh không chỉ là mong muốn mà còn là quyền lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, sức khỏe trước mắt và lâu dài. Nếu không may xảy ra tai nạn lao động, họ không chỉ bị tổn hại sức khỏe, tính mạng mà còn là gánh nặng đối với gia đình và xã hội.   

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ, những năm gần đây, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, đoàn thể đã luôn sâu sát chỉ đạo và từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật. Từ Trung ương đến các địa phương đều đã thành lập Ban chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ để đôn đốc triển khai, giám sát việc thực hiện ATVSLĐ ở địa phương và các cơ sở sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, xây dựng quy trình, cải thiện môi trường sản xuất và đội ngũ an toàn vệ sinh viên, nhằm đảm bảo môi trường, điều kiện sản xuất an toàn. Nhờ vậy, các vụ tai nạn lao động từng bước kéo giảm cả ở khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tháng Hành động về ATVSLĐ Trung ương, tại Lễ phát động Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023, tình hình tai nạn lao động năm 2022 giảm ở chỉ số vụ tai nạn lao động chết người và số người chết, cả trong khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động. Cụ thể, số vụ tai nạn lao động chết người giảm 3,87% (720 vụ, giảm 29 vụ), giảm 4,07% số người chết (754 người chết, giảm 32 người). Đặc biệt, đây là năm thứ 4 liên tiếp tai nạn lao động chết người trong khu vực không có quan hệ lao động giảm.

Riêng tại Thừa Thiên Huế, năm 2022, trên địa bàn xảy ra 7 tai nạn lao động, làm 7 người chết. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng trong 4 tháng đầu năm 2023, tai nạn lao động làm chết người, sự cố cháy nổ vẫn còn xảy ra.

Qua tổng hợp và phân tích về tai nạn lao động, ngoài nguyên nhân khách quan thì một số doanh nghiệp, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng làm việc và đầu tư bảo hộ ATVSLĐ cho người lao động. Về phía người lao động, dù được trang bị bảo hộ lao động, nhưng vẫn còn bộ phận người lao động không sử dụng với lý do vướng víu, nóng, ngột thở… Những rủi ro chủ quan này hoàn toàn có thể khắc phục, nếu cả phía doanh nghiệp và người lao động cùng nghiêm túc chấp hành các quy định về ATVSLĐ.

ATVSLĐ vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, tổ chức công đoàn lẫn doanh nghiệp và người lao động. Đây không chỉ là quyền lợi chính đáng của người lao động, mà còn vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Chỉ khi có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các bên mới đạt hiệu quả cao, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho từng gia đình và cả xã hội.

HOÀNG MINH