leftcenterrightdel
 

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn thông tin, từ năm 2015, sau khi UBND tỉnh có Quyết định số 54 về việc thành lập Chi cục Kiểm lâm thì chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được tăng lên. Phương án nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, chuyển loại rừng, khai thác, tỉa thưa gỗ rừng trồng... được chú trọng. Chi cục Kiểm lâm tích cực rà soát quy hoạch ba loại rừng để kịp thời tích hợp vào quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

Thông qua các chương trình, kế hoạch, dự án, diện tích rừng trồng và độ che phủ rừng tăng đều qua các năm, đến nay độ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,15% là một trong số ít các địa phương có độ che phủ rừng cao và ổn định trong cả nước. Đặc biệt qua các chương trình, dự án này đã kích hoạt cho sức phát triển lâm nghiệp của địa phương, nhất là khi các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh lâm nghiệp. Từ đó tạo ra nhiều công ăn việc làm, người dân có thu nhập ổn định từ rừng, góp phần giảm đáng kể sức ép vào khai thác rừng tự nhiên, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi.

leftcenterrightdel
 Tuần tra rừng sâu

Kiểm lâm tỉnh được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về năng lực thực hiện các hoạt động về bảo tồn thiên nhiên; là một trong những tỉnh nằm trong khu vực cảnh quan Trung Trường Sơn, nơi chứa đựng các hệ sinh thái phong phú các loài và các nguồn gen sinh vật quý hiếm. Đây cũng là nơi cư trú của rất nhiều loài đặc hữu như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, cầy vằn, trĩ sao, thỏ vằn Trường Sơn…

Ước tính hiện có đến 134 loài thú và hơn 500 loài chim đã mang lại các dịch vụ hệ sinh thái thiết yếu cho phúc lợi về kinh tế - xã hội của cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng cảnh quan. Có 2 sự kiện đáng nhớ là vào năm 1996, việc tái phát hiện loài gà lôi lam mào trắng tại khu vực rừng xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền đã gây tiếng vang lớn tại các hội thảo quốc tế về các loài chim trĩ đặc hữu trên thế giới, khi các nhà khoa học nghĩ rằng loài này đã bị tuyệt chủng. Đến việc bắt giữ và nuôi cứu hộ thành công con hổ con, sau đó đã chuyển giao cho Vườn thú Hà Nội nhân giống thành công cũng là sự kiện của kiểm lâm được các hãng thông tấn, báo chí quốc tế đưa tin ca ngợi.

Nhờ việc thực thi nghiêm minh pháp luật lâm nghiệp nên số vụ vi phạm ngày càng giảm dần. Nếu năm 2000 có 1.537 vụ vi phạm thì đến năm 2010 còn 898 vụ và đến năm 2022 chỉ còn 323 vụ.

Trong công tác đấu tranh phòng ngừa các hành vi xâm hại rừng và thừa hành pháp luật lâm nghiệp, lực lượng kiểm lâm đặc biệt chú trọng đến các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu và có giá trị đa dạng sinh học cao. Để đạt được mục tiêu này, sự nỗ lực của mỗi công chức kiểm lâm trong những năm qua đáng được ghi nhận.

Để quản lý hiệu quả diện tích rừng lớn, những năm qua, Kiểm lâm tỉnh tích cực tìm kiếm và ứng dụng những công nghệ mới vào trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên mang lại nhiều thành quả tích cực. Đơn cử như việc ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám đã giúp Chi cục Kiểm lâm thu thập thông tin rừng một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí so với việc sử dụng các phương pháp truyền thống, đặc biệt đối với những khu vực rừng khó tiếp cận. Công tác theo dõi, cập nhật bản đồ diễn biến rừng toàn tỉnh hàng năm cũng chính xác và kịp thời hơn nhờ ưu điểm vượt trội của công nghệ này.

Trong công tác chống lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, nếu thời gian trước năm 2013, các vụ phá rừng làm nương rẫy chỉ được phát hiện sau một thời gian dài nên diện tích thiệt hại lớn; thì nay bằng việc ứng dụng sớm công nghệ viễn thám có thể phát hiện và xác định được các vụ phá rừng với diện tích từ 0,5ha trở lên với khoảng thời gian chỉ từ 5-8 ngày, giúp giảm thiểu thiệt hại về rừng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU