leftcenterrightdel
Làm việc ở các vị trí tiềm ẩn nguy hiểm, người lao động phải luôn cẩn trọng để đảm bảo an toàn tính mạng 

An toàn được đặt lên hàng đầu

Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (Hepco) là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó, đa phần công việc đều có yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại. Để đảm bảo an toàn cho hơn 560 người lao động, hằng năm, ngoài huấn luyện theo chương trình đối với nhóm ATVSLĐ, từng tổ, đội sản xuất của Hepco còn được huấn luyện về cứu hộ và sơ cấp cứu, thao tác sản xuất an toàn, phòng cháy, chữa cháy - cứu hộ cứu nạn (PCCC-CHCN) cũng như đầu tư, trang cấp đầy đủ phương tiện, thiết bị PCCC-CHCN và bảo hộ lao động.

Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm cải thiện điều kiện lao động và ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được đơn vị áp dụng trong nhiều lĩnh vực như cơ khí, vệ sinh môi trường, thoát nước, điện chiếu sáng... Bên cạnh tổ chức khám sức khỏe định kỳ, công ty, còn khám bệnh nghề nghiệp cho từng vị trí công việc đặc thù. Đồng thời, đơn vị chủ động điều tiết nhân sự cho từng vị trí công việc phù hợp với sức khỏe của từng lao động.

Hoạt động trong lĩnh vực cấp điện, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế luôn chú trọng huấn luyện, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ. Các yếu tố nguy hiểm, gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh đều được đơn vị nhận diện và có biện pháp phòng, tránh kịp thời, hiệu quả.

Chẳng hạn để ứng phó nguy cơ ngã cao, người lao động phải đeo dây an toàn, sử dụng xe gàu; để tránh bị điện giật, phóng điện thì thực hiện đủ, đúng biện pháp an toàn điện... Phòng nguy cơ bỏng vì cháy, nổ do ngắn mạch ĐZ hạ thế, công ty sử dụng đủ phương tiện bảo vệ cá nhân. Kiểm tra dụng cụ căng dây, dây dẫn và các phụ kiện trước khi căng dây... tránh đứt dây, tuột dây, cáp. Để tránh nhiễm điện từ trường, người lao động phải tuân thủ các quy định về cài đặt công tơ và không làm việc thường xuyên, liên tục trong môi trường tiếp xúc điện từ trường 5KV/m đến < 8KV/m quá 8 giờ cho mỗi ngày làm việc; bố trí vị trí đặt máy cài đặt công tơ riêng biệt hoặc cách xa vị trí làm việc khác trong phạm vi bán kính 2m.

Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế còn áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý an toàn bảo đảm kiểm tra, kiểm soát hiệu quả. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp, áp dụng những cải tiến hợp lý hóa sản xuất tại các đơn vị cơ sở, góp phần cải thiện môi trường lao động, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Giảm căng thẳng tại nơi làm việc

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 vụ TNLĐ chết người, làm chết 7 người. So với năm 2021 không tăng về số vụ và số người chết. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2023 chưa có thống kê cụ thể, song nhìn chung số vụ TNLĐ giảm so với cùng kỳ các năm trước.

Một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ xảy ra là do người lao động không được huấn luyện, hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ. Công tác huấn luyện ATVSLĐ mới chỉ cung cấp các lý thuyết, chưa chú trọng vào việc huấn luyện thực hành, huấn luyện các kỹ năng tự đánh giá rủi ro, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động.

Nhìn nhận những nguyên nhân trên, các ngành, các cấp, các đơn vị, doanh nghiệp đặt quyết tâm chăm lo, kiểm soát TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và bảo vệ nguồn nhân lực theo tinh thần chủ đề Tháng ATVSLĐ năm nay "Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng tại nơi làm việc". Cụ thể, cùng với kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn quan tâm xây dựng kế hoạch và đầu tư kinh phí cho công tác ATVSLĐ, xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, tổ chức huấn luyện, tuyên truyền. Thực hiện các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bảo hộ lao động. Quan tâm quản lý các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ.

Ông Hồ Dần, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, để làm tốt công tác quản lý về ATVSLĐ, ngành LĐTB&XH đã phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện cho hàng nghìn người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ mỗi năm. Đóng vai trò là chủ thể, các DN, cơ sở cũng đã phối hợp với các đơn vị huấn luyện tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hầu hết người lao động trong đơn vị mình. Ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ, đặc biệt chú trọng kiểm tra tại các cơ sở có ngành nghề nguy cơ cao dễ xảy ra TNLĐ; qua đó kịp thời phát hiện, xử lý và kiến nghị các doanh nghiệp về giải pháp khắc phục tồn tại.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG