leftcenterrightdel
Người dân Nam Đông chăm sóc cam. Ảnh: Chi cục QLCLNLTS 

Nhiều diện tích cam ở các xã Hương Phú, Thượng Quảng (Nam Đông) đang bị bệnh muội đen gây hại. Đây là bệnh thường xuyên xảy ra, nguy hiểm đổi với cây cam, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn có thể gây chết cây nếu bị bệnh nặng. Nhiều ngày qua, các hộ trồng cam ở Nam Đông dùng nhiều biện pháp phòng trừ, nhưng bệnh vẫn chưa giảm.

Theo các hộ trồng cam ở Nam Đông, cam đang thời kỳ ra hoa, kết trái, trong điều kiện thời tiết bình thường, không bị sâu bệnh gây hại nặng thì khoảng tháng 9 năm nay sẽ vào vụ thu hoạch. Với tình hình sâu bệnh như hiện nay, nếu không thể khống chế kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng vườn cây và thời vụ thu hoạch. Các hộ trồng cam đang rất cần sự hỗ trợ tích cực trong phòng trừ sâu bệnh của cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Đông thông tin, trên địa bàn huyện hiện có khoảng 220ha cam và một số diện tích cây ăn quả khác. Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt là những tác nhân chính dẫn đến một số loại bệnh trên cây ăn quả.

Tại hai xã Thượng Quảng, Hương Phú có hàng chục ha cam bị bệnh muội đen với tỷ lệ bệnh 5-10%, cục bộ có nơi cao đến 30%. Ngành nông nghiệp huyện cùng với chính quyền địa phương đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo quy trình, quy định, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh xác nhận, nhiều loại bệnh, nhất là muội đen và chảy gôm đang nhiễm trên nhiều diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Khảo sát, thống kê từ các địa phương cho thấy, có khoảng 167ha bưởi, cam... bị bệnh chảy gôm với tỷ lệ bệnh 5-10%, nơi cao 20-30%. Các địa phương bị nhiều nhất là Phong Thu (Phong Điền), Hương Vân (TX. Hương Trà), Thủy Biều (TP. Huế).

Trong khi đó, bệnh muội đen trên địa bàn tỉnh được xác định có khoảng 110ha, tăng 34ha so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ 5-10%, nơi cao 20-30%. Bệnh này phổ biến ở các xã Hương Phú, Thượng Quảng (Nam Đông), Phong Thu (Phong Điền), Thủy Biều (TP. Huế). Các đối tượng gây hại khác như sâu đục thân, sâu vẽ bùa, bệnh vàng lá greening... gây hại rải rác, mật độ và tỷ lệ bệnh thấp.

Theo ông Lê Văn Anh, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, diễn biến phức tạp như hiện nay tạo thuận lợi cho nhiều loại bệnh lây lan trên cây ăn quả. Trong đó, dự báo bệnh chảy gôm, sâu vẽ bùa, sâu đục thân, đục cành, rệp...  tiếp tục phát sinh gây hại trong thời gian đến.

Biện pháp được cho tối ưu hiện nay là hướng dẫn các hộ vệ sinh vườn, cắt tỉa các cành vượt, cành sâu bệnh, thoát nước tốt cho vườn. Người dân cần tăng cường chăm sóc, bón phân cân đối, bón phân chuồng hoai mục nhằm giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe, chống chịu sâu bệnh gây hại, kết hợp quản lý và phòng trừ bệnh chảy gôm. Đồng thời, thường xuyên theo dõi các đối tượng sinh vật gây hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

Diện tích trồng cam trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung nhiều nhất ở huyện Nam Đông với khoảng 220ha. Theo quy hoạch, kế hoạch của huyện, đến năm 2025 mở rộng diện tích trồng cam toàn huyện lên 550 ha. Tuy nhiên, cây cam đang đối diện với nhiều khó khăn, sâu bệnh gây hại, giá cả thiếu ổn định... khiến loài cây này còn thiếu tính bền vững.

HOÀNG THẾ