Tuyển thủ Bùi Yến Ly chiến thắng áp đảo trước đối thủ để giành HCV. Ảnh: sggp.org.vn |
Điều lạ là môn thi đấu mới, nhưng các nước tham gia như Việt Nam cũng không quá lo âu và ngại ngùng mà thích ứng ngay. Không có vận động viên (VĐV) tham gia cờ ốc thì dùng VĐV cờ vua thay thế. Cũng chẳng có gì căng thẳng khi đưa VĐV môn Muay Thái, không có trong chương trình thi đấu, đánh võ Kun Khmer hay VĐV võ cổ truyền thi đấu võ Kun Bokator.
Ngạc nhiên chưa khi 2 kỳ thủ Phạm Thanh Phương Thảo và Tôn Nữ Hồng Ân, xuất sắc đánh bại các VĐV nước chủ nhà Campuchia ở trận chung kết nội dung đồng đội đôi nữ, đều xuất thân từ môn cờ vua và chỉ mới tập luyện cờ ốc sau khi BTC quyết định đưa bộ môn này vào thi đấu chính thức thay cho cờ vua. Không riêng gì Phương Thảo hay Hồng Ân, ở SEA Games 32 còn có nhiều kỳ thủ cờ vua của Việt Nam mới chỉ tập luyện chưa tới 1 năm đã thuần thục cờ ốc và tuyển cờ ốc Việt Nam trở thành đội mạnh, cùng với đội chủ nhà Campuchia và Thái Lan.
Võ sĩ Bàng Thị Mai cho thấy sức mạnh tuyệt vời khi lấy tấm HCV thứ 3 cho Kun Khmer Việt Nam, bằng chiến thắng knock-out trước VĐV Samnang Sam của nước chủ nhà Campuchia. Thật bất ngờ khi được biết, Mai là nhà vô địch thế giới ở môn Muay và trước đó từng gây sốc khi vô địch quốc gia ở 3 môn võ thuật khác nhau. Hay Bùi Yến Ly, mang về tấm HCV thứ 5 cho tuyển Kun Khmer Việt Nam, từng 4 lần vô địch Muay thế giới.
Chuyện tham gia thi đấu và có huy chương ở nhiều môn thể thao ở kỳ SEA Games đang diễn ra gợi nhớ đến hội vật làng Sình hay làng Thủ Lễ. Có thể không phải là đô vật chuyên nghiệp, nhưng hay tin làng Sình hay Thủ Lễ mở hội vật hàng năm vào dịp Tết, vậy là có người luyện tập dăm vài bữa theo kiểu “vui là chính” rồi thượng đài rinh ngay giải thưởng lớn. Tôi tin chắc rằng, sau SEA Games 32, Bàng Thị Mai hay Bùi Yến Ly lại sẽ trở lại là những võ sĩ nổi tiếng của môn Muay Thái đang rất được ưa chuộng ở các giải đấu quốc tế.
“Hội làng” SEA Games vẫn còn lắm điều để nói. Thiếu chuyên nghiệp không chỉ có ở các VĐV mà còn là cách tổ chức. Chuyện “cô gái vàng” Nguyễn Thị Oanh đoạt 4 tấm HCV điền kinh tại SEA Games 32 là một minh chứng. Suýt nữa thì cô gái đến từ Bắc Giang này đã không thể chạm tới kỳ tích khi chỉ sau 20 phút giành được tấm HCV ở cự ly 1.500 m, Oanh phải thi đấu cự ly 3.000 m vượt chướng ngại vật và đã rất phi thường giành luôn tấm HCV. Oanh bảo rằng, chính sự nghiệt ngã (và cũng rất oái ăm, rất “làng”) của lịch thi đấu đã là động lực buộc cô phải thể hiện hết khả năng và bùng nổ cảm xúc khi chiến thắng.
Không còn nghi ngờ về những chiến tích đạt được và vị thế dẫn đầu của thể thao Việt Nam tại SEA Games, đặc biệt là ở Campuchia lần này. Thế nhưng chiến thắng tuyệt đối ở một số môn thi và áp đảo ngay những môn thể thao chỉ mới được làm quen lại đặt ra vấn đề về giá trị của những tấm huy chương tại sân chơi khu vực, còn được nhắc đến với cái tên “ao làng” này. Khó có thể xem đó là động lực và là mục tiêu phấn đấu để vươn tới những đỉnh cao thể thao đang chờ đợi ở tầm châu lục và thế giới.