Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị G7 mở rộng ở Hiroshima ngày 21/5 - Ảnh: DƯƠNG GIANG |
Ngoại trừ Hàn Quốc, bảy nước khách mời còn lại của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay đều nằm ở Nam bán cầu (Global South), gồm Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook và Úc. Đó là một sự tính toán có chủ đích của Nhật Bản nói riêng và nhóm G7 nói chung trong bối cảnh phức tạp của thế giới.
Nỗ lực rũ bỏ hình ảnh "câu lạc bộ độc quyền"
Mặc dù kể từ năm 2000, hội nghị thượng đỉnh G7 đã mời thêm các quốc gia khác không thuộc khối này để tạo thành "thượng đỉnh G7 mở rộng", các cuộc họp của G7 vẫn bị xem là "câu lạc bộ độc quyền của các nước giàu". Những chỉ trích cho rằng G7 chỉ đang thúc đẩy lợi ích của các nước giàu, bỏ qua nước nghèo và lợi ích toàn nhân loại.
Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này cho thấy sự cố gắng của nhóm trong việc xóa bỏ định kiến và tạo ra hình ảnh mới, có trách nhiệm hơn. Mặc dù vẫn có những chỉ trích nhắm vào một số nước, phần lớn ngôn từ trong các văn bản chính thức của G7 mang tính ôn hòa và chung chung.
Thông cáo chung, tài liệu dài 40 trang được các lãnh đạo G7 thông qua hôm 20/5, đã tập trung vào các thách thức chung, mang tính toàn cầu. Chẳng hạn như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, không phổ biến vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro mất an ninh kinh tế vì chuỗi cung ứng.
Đây đều là vấn đề cần vai trò phối hợp toàn cầu, không chỉ giữa các nước G7 có thể giải quyết được. Điều này cũng đã thể hiện rõ qua việc mỗi quốc gia được G7 mời đều có vai trò quan trọng trong một lĩnh vực nào đó.
Chẳng hạn, Hàn Quốc là đồng minh chủ chốt của Mỹ và Nhật Bản, vốn có lợi ích rất lớn nếu khu vực Đông Bắc Á an ninh và ổn định. Úc cũng chia sẻ vai trò quan trọng này. Comoros, quần đảo ngoài khơi bờ biển Đông Phi, hiện đang làm chủ tịch Liên minh châu Phi.
Chiếc ghế đó sẽ giúp G7 tạo một kết nối quan trọng với một lục địa đang ngày càng trở thành tâm điểm cạnh tranh giữa các nước lớn. Quần đảo Cook đang đứng đầu Diễn đàn quần đảo Thái Bình Dương, một khu vực khác cũng chứng kiến cạnh tranh ngày càng lớn giữa các nước.
Indonesia được mời vì xử lý êm đẹp mâu thuẫn giữa các nước G20 năm 2022, đồng thời là chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2023. Với Việt Nam, Nhật Bản nhìn thấy một nước có tiếng nói trong ASEAN, tiền tuyến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và có tầm ảnh hưởng với an ninh lương thực thế giới.
Việc mời Ấn Độ, nước chủ tịch G20 năm nay, đã xác định một trong các ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy tiếng nói các nước Nam bán cầu, cũng cho thấy nỗ lực chứng minh sự coi trọng của G7 với các nước Nam bán cầu.
Hội nghị của hợp tác đa phương
Trong một bài phát biểu vào ngày 13/1 năm nay tại Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng cảnh báo: "Nếu các quốc gia Nam bán cầu, vốn đang nắm giữ những vị trí không thể thiếu trên trường quốc tế, quay lưng lại, chúng ta sẽ thấy mình là thiểu số và không thể giải quyết các vấn đề chính sách ngày càng gia tăng".
Hội nghị G7 mở rộng đã thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu. Trong đó đề ra các nhóm giải pháp ứng phó với khủng hoảng lương thực trước mắt, nâng cao tính tự cường nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai và bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người dân.
Đây là kết quả đáng chú ý, thể hiện nỗ lực dẫn dắt của Nhật Bản cũng như quyết tâm của các nước G7 và khách mời trong việc giải quyết vấn đề tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định sự đánh giá cao của Việt Nam trước tuyên bố này, đồng thời cho biết Việt Nam sẵn sàng tăng sản xuất lương thực để góp phần triển khai thực hiện Tuyên bố Hiroshima.
Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí cần tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Hội nghị hoan nghênh sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7 (PGII) và sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) của Nhật Bản.
Các bên cũng nhất trí đẩy mạnh các sáng kiến huy động nguồn tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Về khái niệm "Nam bán cầu" không theo khu vực địa lý Trong quan hệ quốc tế, có thuật ngữ Global South (Nam bán cầu) và Global North (Bắc bán cầu). Sự phân chia này không hẳn dựa theo khu vực địa lý mà còn theo trình độ phát triển. Những nước phát triển và giàu có đều tập trung ở phía bán cầu bắc của Trái đất nên thuật ngữ Global North (gọi là Nhóm Bắc bán cầu) dùng cho nhóm này. Các nước đang phát triển, phát triển trung bình và ít phát triển lại tập trung phần lớn ở phía bán cầu nam nên được gọi chung là Global South (gọi chung là Nhóm Nam bán cầu). Theo từ điển Cambridge, Nhóm Nam bán cầu (Global South) là thuật ngữ dùng để gọi nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á. Trong khi đó Nhóm Bắc bán cầu (Global North) là thuật ngữ được dùng để nói đến nhóm các nước giàu, công nghiệp hóa ở châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực phát triển ở châu Á. Một nước có thể nằm ở phía bắc bán cầu (theo địa lý) nhưng lại thuộc Nhóm Nam bán cầu là bởi dựa theo trình độ phát triển. |
Việt Nam thấu hiểu các giá trị hòa bình Ngày 21/5, trong ngày công tác cuối tại Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận thứ ba của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng với chủ đề "Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng". Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam sẽ làm hết sức mình, cùng chung tay đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của nhân loại; mong muốn chấm dứt xung đột, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh con người. Thủ tướng khẳng định thông điệp về tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và cần được thực hiện bằng những cam kết cụ thể; kêu gọi các bên liên quan trong mọi cuộc xung đột giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán để tìm ra các giải pháp lâu dài, tính tới lợi ích chính đáng của các bên. Gặp Tổng thống Ukraine Zelensky bên lề hội nghị, Thủ tướng cho biết là đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam thấu hiểu các giá trị của hòa bình. Trên tinh thần đó, Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo cho nhân dân Ukraine và sẵn sàng hỗ trợ các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên. |