Đoàn viên, thanh niên ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường |
Hạn chế rác thải
“Thôn không rác” đến nay không còn là cụm từ quá xa lạ với người dân tại phường Thuận An và xã Phú Thuận. Đây là mô hình được DA “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” triển khai thí điểm với việc hỗ trợ 569 bộ 3 thùng rác hợp vệ sinh để người dân phân loại rác tại nguồn, đồng thời phát 629 giỏ nhựa đi chợ cho người dân.
Gia đình chị Phan Thị Phương, thôn Trung An (xã Phú Thuận) chia sẻ, tuy ban đầu có hơi bỡ ngỡ nhưng dần cũng thành quen, đa phần thành viên trong gia đình đã hình thành ý thức phân loại rác thải và quan tâm đến bảo vệ môi trường, cảnh quan chung hơn.
Còn với nhiều tiểu thương tại chợ địa phương, việc bà con sử dụng giỏ nhựa để đựng thực phẩm cũng là hình ảnh đẹp thường gặp.
Theo Ban điều hành DA, quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi được ý thức tự giác của mỗi hộ dân về hạn chế và phân loại rác thải. Trên cơ sở đó, DA đã thời tổ chức 8 lớp tập huấn về hướng dẫn phân loại, thu gom rác tại nguồn, ứng dụng vi sinh trong xử lý rác hữu cơ tại gia đình với hơn 200 hộ gia đình tham gia.
Tại khu vực bãi tắm, DA còn hỗ trợ xây dựng 2 mô hình quán ăn, nhà hàng kiểu mẫu. Hỗ trợ tập huấn, đào tạo và chuyển giao quy trình kỹ thuật trong vấn đề thu gom, phân loại và xử lý rác thải, rác thải nhựa, hỗ trợ các bộ thùng rác phân loại tại nguồn, 6 thùng rác lớn và 100 giỏ rác nhỏ cho 2 nhà hàng.
Đại diện nhà hàng Sao Biển và Nhà hàng Hương Biển tại phường Thuận An đánh giá, việc phân loại rác tại nguồn giúp công tác thu gom và xử lý rác thải thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, du khách đến sử dụng dịch vụ tại nhà hàng cũng đánh giá cao và hưởng ứng với cách bảo vệ môi trường này.
Không chỉ trên đất liền mà cả trên biển, 2 CLB ngư dân trẻ vươn khơi bám biển của xã Phú Thuận và phường Thuận An với 30 thành viên cũng được ra mắt. Qua đó, đã hỗ trợ 60 thùng rác, phân loại rác tại các tàu, thuyền của vùng thực hiện dự án nhằm thực hiện các công tác thu gom, phân loại trong các hoạt động trên biển.
Tính đến nay, 2 CLB đã đã tiến hành thu gom hơn 7,5 tấn rác thải, ngoài ra còn duy trì việc đánh bắt thủy hải sản đảm bảo không ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường và vớt rác trên biển, nhất là đối với rác thải nhựa, ni-lông.
Phát triển nguồn lợi từ biển
Thông tin từ Tỉnh đoàn, DA “Nâng cao năng lực cộng đồng trong quản lý rác thải nhựa gắn với phát triển du lịch biển, đầm phá” do đơn vị chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình tài trợ các DA nhỏ của Liên Hiệp Quốc (UNDP/GEF SGP).
DA triển khai với kính phí trên 1,1 tỷ đồng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường; đặc biệt là trong công tác quản lý rác thải, rác thải nhựa cho các tầng lớp nhân dân, huy động sự tham gia của lực lượng đoàn viên thanh niên; các tập thể, tổ chức, đoàn thể, phát huy vai trò của tổ dân phố, thôn, các tổ chức đoàn thể khu vực dân cư trong công tác bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, DA cũng góp phần hỗ trợ người dân phát triển sinh kế, làm giàu bền vững từ nguồn lợi biển, với hàng loạt hoạt động như: Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật khai thác thủy, hải sản hiệu quả cho 50 hộ gia đình ngư dân vùng biển và đầm phá; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy, hải sản cho ngư dân vùng biển và đầm phá trên Sàn Kinh tế hợp tác; cùng với Ban Quản lý Cảng cá Thừa Thiên Huế hỗ trợ ngư dân đánh bắt thủy, hải sản an toàn và hiệu quả và lồng ghép tuyên truyền giảm rác thải nhựa tại cảng cá…
Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài cho biết, đến nay DA dự án đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra khi 100% người dân nhận thức được tầm quan trọng công tác bảo vệ môi trường và giảm thiểu rác thải, rác thải nhựa. Các mô hình của DA dự án cũng được chính quyền địa phương phối hợp duy trì có hiệu quả và gắn với phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" do UBND tỉnh phát động. Nhiều địa phương đã duy trì và nhân rộng các mô hình trên địa bàn nhằm góp phần bảo vệ môi trường, nhất là do túi ni-lông và rác thải nhựa sử dụng 1 lần gây ra...
Bên cạnh đó, DA cũng gặp không ít tồn tại hạn chế như: Một số hộ dân vẫn chưa hưởng ứng phân loại rác tại gia đình; công tác phối hợp với địa phương chưa chặt chẽ nên một số hoạt động chưa thật sự nổi bật… Đây là cũng là kinh nghiệm để có thể duy trì và mở rộng DA nếu tiếp tục triển khai ở các địa phương khác. Trước mắt, các mô hình thí điểm tại phường Thuận An và xã Phú Thuận sẽ được duy trì và nhân rộng tại các xã, phường khác trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần bảo vệ môi trường, .
Quá trình triển khai, DA đã tổ chức gần 30 hoạt động thiết thực, gần gũi như: phát 7.000 tờ rơi tuyên truyền về bảo vệ môi trường; thành lập CLB “Sống xanh vì cộng đồng”; triển khai mô hình “Đổi rác lấy quà”; ra quân hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh"; tọa đàm và tổ chức hội thi “Thanh niên nói không với túi ni-lông và rác thải nhựa”…