leftcenterrightdel
 Rú Hóa Chiêm

Rú Hóa Chiêm thuộc địa phận làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền với diện tích 300ha, được bao phủ bởi 120ha rừng. Hệ thực vật phong phú của rú cát này không chỉ đóng vai trò là vành đai chắn gió, giữ cát, điều hòa khí hậu mà còn là nguồn cung ứng gỗ, chất đốt, nhựa và thảo dược cho người dân địa phương. Ngoài ra, dưới tán của các trảng rừng thứ sinh này còn có rất nhiều loài chim (chim cu, chim cút, chèo bẻo, chiếp mào, le le, vịt trời…), thú (chồn, thỏ) và nhất là các loài có hang dưới mặt đất (rắn, kỳ nhông, dế, rầy…). 

Các chuyên gia môi trường cho rằng, toàn bộ vùng cát nội đồng trước đây có thể đều được bao phủ bởi kiểu rừng thấp tương tự như Hóa Chiêm. Tuy nhiên, quá trình khai thác gỗ, củi và lấy đất canh tác đã khiến cho các khu rừng rộng lớn dần thu hẹp thành các khóm nhỏ hay biến thành những trảng cỏ cằn cỗi. Rú Hóa Chiêm vẫn còn giữ được thảm thực vật đến ngày nay không phải là một sự ngẫu nhiên, mà đó là kết quả của việc tuân theo một định lệ đã được đặt ra từ lâu đời của người dân làng Phò Trạch.

Theo lệ xưa, rú cát làng Phò Trạch được chia đều cho 4 giáp: giáp Đông Mỹ, giáp Tây Phú, giáp Triều Quý, giáp Trung Thạnh. Dựa trên số đinh trong mỗi hộ, các giáp tiếp tục chia các khoảnh rừng cho từng gia đình quản lý, khai thác. Tuy nhiên, việc khai thác không phải tùy tiện mà phải tuân theo chu kỳ nhất định. Cụ thể hơn, toàn bộ rú cát được chia làm 5 khoảnh, mỗi năm chỉ “mở” 1 khoảnh, sau 5 năm mới quay lại khai thác khoảnh ban đầu. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu chất đốt, làng quy định mỗi năm có 3 ngày “mở rú” để các hộ gia đình chủ động khai thác. Sau khoảng thời gian này, không ai được đốn cây, chặt củi và rú luôn được giám sát chặt chẽ bởi đội tuần kiểm của làng. Người vi phạm nhẹ phải dâng cau trầu rượu xin lỗi, nặng thì bị đánh roi và nộp phạt một con lợn cho làng.

Hiện nay, rú Hóa Chiêm tiếp tục được giao cho thôn Phò Trạch quản lý. Thông qua hợp tác xã, diện tích rú được chia cho các đội, các đội lại chia cho các hộ dân. Các hộ dân nhận vị trí khai thác của mình thông qua hình thức bốc thăm. Phương thức khai thác luân phiên 5 năm/1 lần như truyền thống vẫn được duy trì. Thay cho đội tuần kiểm trước kia, đội bảo vệ rú thôn trên tinh thần tự nguyện làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ và ngăn chặn các hành vi khai thác rừng trái phép. Trên thực tế, lệ khai thác rú có từ lâu đời đã trở thành nếp phong tục mà người dân làng Phò Trạch tự nguyện tuân theo, các hành vi vi phạm chủ yếu do người lạ, bên ngoài làng thực hiện.

Có thể thấy, bằng cách xây dựng thỏa thuận hợp lý và tuân theo một cách tự nguyện, chặt chẽ thì một đồng nhỏ cũng có thể đóng góp lớn trong việc bảo vệ môi trường. Hơn thế, thỏa thuận ấy đã được xây dựng từ hàng trăm năm trước và vẫn tiếp tục phát huy giá trị cho đến ngày nay. Cũng nhờ sự bảo vệ của cộng đồng địa phương, rú Hóa Chiêm chính là nơi bảo tồn được nhiều giống loài bản địa, nhất là các loài lấy gỗ và lấy dược liệu, có khả năng chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và có giá trị kinh tế cao.

Bài, ảnh: NGUYÊN NINH