leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Góp ý về dự án luật này, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nguyễn Thị Sửu cho rằng, về nhân lực thực hiện dịch vụ thẩm định giá tại Điều 44 và thẩm định giá của Nhà nước tại Điều 60 rất cần được ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh cho tương thích, thống nhất. Vì thực chất theo quy định, muốn trở thành thành viên hội đồng thẩm định giá của Nhà nước hay ngoài Nhà nước đều phải “Có nghiệp vụ thẩm định giá” và cũng phải trải qua kỳ thi thẩm định viên về giá.

Ở khoản 2, Điều 60, việc quy định tỷ lệ có ít nhất 50% thành viên trong Hội đồng thẩm định giá có chứng nhận chuyên môn, đại biểu Sửu nhận đinh vẫn còn mỏng về nền tảng chuyên nghiệp khi chúng ta đang phấn đấu xây dựng một nền hành chính hiện đại, kỷ nguyên số hoá toàn diện; nếu trong trường hợp hội đồng thẩm định giá có tỷ lệ tối thiểu là 50% thành viên đáp ứng điều kiện chuyên môn thì rất khó đạt hiệu quả công việc.

Do vậy, đại biểu kiến nghị nâng tỷ lệ từ 50% lên 70%. Đồng thời đề nghị xem xét sửa đổi theo hướng tích hợp trong đào tạo, bồi dưỡng trong nội dung hình thức chứng nhận chuyên môn ở các điểm b, c, d.

Về định giá, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu nhất trí với quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH)về việc giữ quy định về giá trần và bỏ quy định về giá sàn đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa.

Tuy nhiên, nữ đại biểu cho rằng, đối với “mức giá 0 đồng” của hãng hàng không, khi đã khẳng định rằng “thực chất không có vé máy bay giá 0 đồng”; “mức giá 0 đồng là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định”; “Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá vé 0 đồng như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong 1 chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng”,… thì rất cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp là “giá ưu đãi” hoặc “giá khuyến mại” nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng và cũng thể hiện được tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh, Luật giá.

Đối với quy định chuyển tiếp tại Điều 75. Tại khoản 1, các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá theo quy định tại Luật giá số 11/QH13 ngày 20/6/2013 phải bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá quy định tại luật này từ ngày 1/1/2026. Trong khi, ở các khoản 4 (các tiêu chuẩn thẩm định giá) và khoản 5 (các văn bản định giá) lại được gia hạn tối đa đến ngày 1/7/2025. Vì vậy, bà Sửu kiến nghị điều chỉnh thời hạn bảo đảm điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá ở khoản 1 là từ ngày 1/7/2025 cho phù hợp và thống nhất.

leftcenterrightdel
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh

Riêng danh mục “nước sạch” trong danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá, quan điểm của bà Sửu là cần điều chỉnh thành “nước sạch sinh hoạt” để phù hợp với mục đích sử dụng thực tiễn và luật định.

“Luật giá năm 2012 quy định nước sạch sinh hoạt thuộc danh mục Nhà nước định giá, do vậy đối với giá nước sạch không phục vụ cho mục đích sinh hoạt, như sản xuất bia, dệt nhuộm, nước sử dụng cho các nhà máy trong khu công nghiệp, nước phục vụ tưới tiêu,… do đơn vị cung cấp nước sạch quyết định trên cơ sở phương án giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức giá này thường cao hơn giá nước sạch sinh hoạt, đồng thời trên cơ sở hợp đồng cung cấp nước sạch hai bên được kết cấu thêm các khoản chi phí về đầu tư đường ống dẫn phù hợp với sản lượng nước sử dụng thỏa thuận. Vì vậy, kiến nghị nghiên cứu điều chỉnh danh mục nhà nước định giá là nước sạch sinh hoạt”, bà Sửu diễn giải.

Tiếp thu ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thông tin thêm về các vấn đề cốt lõi được nêu ra tại các phiên họp.

Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết việc giữ giá trần giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa. Vì vậy, cần giữ giá sàn hàng không nội địa. Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn, các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé, cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này.

Về chi phí cho dịch vụ thẩm định giá, hiện nay có hơn 300 doanh nghiệp thẩm định giá, Bộ trưởng cho rằng cần để chi phí theo quy luật thị trường. Về việc công khai thông tin về giá, niêm yết giá, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu và thể hiện rõ hơn trong dự thảo Luật.

Đối với một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật có đề xuất Quốc hội quyết định các mặt hàng bình ổn giá, khi có biến động, Chính phủ sẽ trình UBTVQH để từ đó thực hiện quy trình xem xét, quyết định. Xác định rằng việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có quy định cụ thể, hợp lý về nội dung này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đã có 17 ĐBQH phát biểu. Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH và tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện dự án luật như áp dụng luật, tính đồng bộ, thống nhất với các luật khác về các hành vi bị cấm, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, Quỹ bình ổn giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc, căn cứ phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá, loại bỏ hoặc bổ sung so với các quy định hiện hành, định giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng không nội địa, dịch vụ bốc dỡ container, thẩm định giá của Nhà nước, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, ý kiến của các ĐBQH sẽ được UBTVQH chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua.

THỌ LINH