leftcenterrightdel
Không gian du lịch ở cầu ngói Thanh Toàn 

Nhiều điểm quá tải

Dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4 và 1/5 vừa qua ghi nhận sự bùng nổ của du lịch cả nước, trong đó, có Thừa Thiên Huế. Dù không lựa chọn đi chơi xa, song gia đình anh Phạm Hoàng Bảo, trú tại TP. Huế cũng tranh thủ loanh quanh một vài điểm trong tỉnh để có không khí của ngày nghỉ lễ.

Nhà có hai con nhỏ. Thấy bạn bè ai cũng chia sẻ đến vui chơi tại C-Farm, phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, cùng những lời giới thiệu: đến đây sẽ được tận hưởng không khí trong lành; tự tay thu hoạch dâu và thưởng thức các loại nông sản tươi ngon; các con được chơi đùa với cừu, thỏ… nên anh Bảo quyết định đến đây trải nghiệm.

Anh Bảo cho rằng, điểm đến này cơ bản đáp ứng được nhu cầu của gia đình, vì ở đây có những vật nuôi lần đầu các cháu được thấy. Giá vé 70.000 đồng/khách cũng khá hợp lý vào thời điểm nghỉ lễ. Tuy nhiên, cũng do vào dịp nghỉ lễ nên khách đến quá đông. Ở khu vực chuồng trại, khách chen chân không lọt; cộng thêm trời nắng nóng nên cả nhà chỉ vào vui chơi khoảng hơn 30 phút rồi ra về.

Cũng lựa chọn điểm du lịch trên để làm điểm vui chơi cho gia đình, ông Vũ Hoài Phương, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế đánh giá, điểm đến này cơ bản thỏa mãn được nhu cầu của khách nội địa và nội tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, một số yếu tố nếu cải thiện tốt sẽ tạo thành điểm đến hấp dẫn. Đó là con đường vào điểm du lịch nhỏ, khó đi, di chuyển bằng ô tô khá khó khăn. Với diện tích vừa phải và những trải nghiệm tại điểm đến, cần tính toán số lượng phù hợp để tránh quá tải, giúp du khách có đủ không gian trải nghiệm khi đến đây.

Từ việc một điểm đến mới như trên thu hút được du khách, để thấy, ở Huế lâu nay, khách nội tỉnh thường có rất ít sự lựa chọn điểm vui chơi vào các dịp nghỉ lễ và ngay cả vào dịp cuối tuần. Đi biển, suối thác, hay đi xem phim được xem là những lựa chọn chủ yếu của khách nội tỉnh.

Ông Trần Văn Truyền, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH TM và DV du lịch Bạn Đồng Hành (A Travel Mate) phân tích, những loại hình vui chơi, giải trí, như công viên nước, các trò chơi cảm giác mạnh ở các công viên giải trí đều không có. Vì thế, mỗi khi trong tỉnh có một điểm đến mới nào đó thì trở thành điểm đến “hot”, thu hút rất đông du khách đến sử dụng dịch vụ. Về góc độ xây dựng tour tuyến, điều này cũng tác động khiến các tour còn thiếu tính đa dạng.

Khách du lịch đến Huế trong dịp lễ vừa qua cũng ghi nhận sự quá tải của nhiều điểm đến, các khách sạn. Đông nhất là các điểm di sản. Như trong ngày 1/5, hệ thống di sản đã đón được 24,3 nghìn lượt khách tham quan, con số kỷ lục từ trước đến nay. Đông đến nỗi hệ thống bán vé điện tử quá tải, dẫn đến trục trặc.

Nhu cầu tăng nhanh so với cung ứng dịch vụ

Câu chuyện du lịch Thừa Thiên Huế thiếu chỗ chơi không còn mới. Sau mỗi đợt cao điểm phục vụ khách, hay mỗi lần bước vào mùa cao điểm khách nội địa (mùa hè) lại tiếp tục được chỉ ra. Nhưng nhìn chung nhiều năm qua, các dịch vụ vui chơi, giải trí vẫn chưa có những thay đổi.

Một số dự án vui chơi, giải trí được công bố, kỳ vọng rất nhiều, nhưng chậm triển khai, như Công viên Độn Sầm (Hương Thủy); Công viên nước Thủy Tiên chậm cải tạo để đưa khai thác trở lại…

Trong những chỉ số cho thấy sự khả quan của du lịch Cố đô thời gian qua, nhất là sau dịp lễ, có một chỉ số cần đánh giá. Đó là tổng lượt khách đến Huế trong 5 ngày là gần 100 nghìn lượt, nhưng khách lưu trú đạt 54,4 nghìn lượt. Trung bình mỗi ngày Huế phục vụ khoảng 11 nghìn lượt. Tính đến thời điểm trước lễ, ở Huế có hơn 13 nghìn phòng lưu trú với 21,2 nghìn giường. Như thế, du lịch Huế vẫn có thể đón được thêm khách lưu trú. Điều cần làm tiếp theo là sản phẩm, những dịch vụ, điểm vui chơi mới để giữ chân du khách.

Mùa du lịch nội địa đã đến, liệu du lịch sẽ có những sản phẩm, dịch vụ mới nào để thu hút khách bên cạnh du lịch di sản ? Mới nhất là Huế có thêm một phố đi bộ mới. Theo các doanh nghiệp du lịch, phố đi bộ Hai Bà Trưng chưa thể là yếu tố giúp khách quyết định đến Huế, vì phố đi bộ này khá giống với các phố đi bộ trong cả nước.

Theo bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành, sản phẩm được hình thành mới kịp thời với nhu cầu của du khách thì sẽ tăng khả năng thu hút khách và ngược lại. Dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi hình thành càng nhanh, sẽ càng tăng tính hiệu quả cho điểm đến. Ở Huế, khách quan mà đánh giá, việc để xây dựng sản phẩm, dịch vụ thường chậm hơn so với nhu cầu. Bên cạnh đó, quá trình hình thành sản phẩm kéo dài, làm chậm sự đổi mới của điểm đến.

Bà Lý nêu dẫn chứng, có những vườn hoa hướng dương ở Hương Hồ, vườn hoa ở Vân Thê (Thủy Thanh), hồ Sơn Thọ (Hương Thọ)… khách đến “check-in” rất đông, nhưng một thời gian lại giảm dần sức hút. Điểm chung của những điểm đến này là vòng đời ngắn, mức độ đầu tư không quá lớn, nhiều điểm đến còn đơn điệu dịch vụ, nên sau 1-2 mùa là vắng khách hẳn.

Vui chơi, giải trí có vai trò quan trọng đối với ngành du lịch, nhất là trong thu hút khách nội tỉnh và nội địa. Du lịch Huế cần nhanh hơn trong việc hình thành sản phẩm.

Bài, ảnh:QUANG SANG