Hai trận động đất liên tục xảy ra vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua đã giết chết hơn 8.800 người, phá hủy gần nửa triệu ngôi nhà và khiến hàng nghìn người cần phải được hỗ trợ thực phẩm, nước sạch và nơi trú ẩn.

Nepal cho biết cần khoảng 6,7 tỷ USD, tương đương gần 1/3 sản lượng hàng năm của quốc gia này, để khôi phục đất nước sau thảm họa, khi nền kinh tế hiện nay dự báo sẽ chỉ tăng 3% - mức thấp nhất trong 8 năm qua.

Nepal bị tàn phá nghiêm trọng sau 2 cuộc động đất hồi tháng 4 và tháng 5/2015 - Ảnh: nypost.

Ngoại trưởng các nước Trung Quốc, Ấn Độ và đại diện của các quốc gia khác sẽ cùng nhau tham dự hội nghị chỉ kéo dài trong 1 ngày hôm nay để thảo luận về việc đóng góp cho các khoản cứu trợ, cùng với sự tham dự của Ngân hàng Thế giới, Liên Hiệp Quốc và các quan chức EU.

Theo Bộ trưởng Tài chính Nepal Ram Sharan Mahat, chính phủ muốn tất cả các khoản viện trợ sẽ chuyển qua một cơ quan mới được thiết lập để đảm bảo "tính đồng bộ" và điều phối cho các nỗ lực tái thiết đất nước.

Tuy nhiên, có nhiều mối lo ngại cho rằng, Nepal sẽ không chi tiêu khoản tiền này một cách nhanh chóng và hiệu quả. Quốc gia nằm trên dãy Himalaya này thường xuyên thất bại trong việc chi tiêu quỹ ngân sách hàng năm cho các dự án vì nạn quan liêu và các kế hoạch kém chất lượng.

Ông Dev Ratna Dhakhwa, tổng thư ký của Hiệp hội Chữ thập đỏ Nepal nói rằng, sự chậm trễ đáng bực bội đã xảy ra ngay sau trận động đất ngày 25/4 khi các nguồn viện trợ đổ về từ khắp thế giới. "Tắc nghẽn tại sân bay, xin giấy phép tiếp cận, cấp thị thực cho nhân viên cứu trợ... tất cả đều hỗn loạn", ông Dhakhwa cho biết. Ông cũng tỏ ra hoài nghi về kế hoạch "chính sách một cửa" của chính phủ để tái xây dựng đất nước.

Trước đó, Ngân hàng Thế giới đã cam kết viện trợ lên đến 500 triệu USD cho các nỗ lực tái thiết của Nepal, các cơ quan khác dự kiến cũng ​​sẽ công bố kế hoạch ​​sau khi khai mạc cuộc họp hôm nay.

Số tiền này rất cần thiết để tăng cường hệ thống ngân hàng đã bị thiệt hại nặng, xây dựng lại nhà cửa, trường học, trạm y tế cũng như sửa chữa những con đường bị tàn phá và cả những đường mòn đi bộ kéo dài cho đất nước phụ thuộc vào du lịch này.

Điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc ở Nepal, ông Jamie McGoldrick nói "bất kỳ thoả thuận nào được thực hiện cũng phải được theo dõi với một cam kết thực sự về một tương lai phát triển của Nepal".

Mặc dù Nepal đã kêu gọi kiểm soát tài chính và các hoạt động chặt chẽ, nhưng các chuyên gia cho rằng, đến nay Nepal vẫn không cung cấp được một kế hoạch rõ ràng. "Những gì còn thiếu hiện nay chính là một chiến lược rõ ràng... Chính phủ cần phải đưa ra một kế hoạch đáng tin cậy để thực hiện các dự án tái thiết trong một khoảng thời gian nhất định," Chandan Sapkota, nhà kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, chi nhánh Nepal cho biết.

Bảo Nghi (lược dịch từ CNA & AFP)