Người dân phường Kim Long tham gia các trò chơi truyền thống tại Ngày hội Đại đoàn kết. Ảnh: Ủy ban MTTQVN TP. Huế |
Gắn kết tình làng nghĩa xóm
Tôi có dịp dự Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc với người dân tổ dân phố 1, phường An Hòa (TP. Huế). Ông Nguyễn Vồ, người dân tổ dân phố 1 chia sẻ, các cụ trong làng tất bật kiểm tra phần nghi lễ, còn các mẹ và các chị cứ có thời gian rảnh là tập trung lại để chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc địa phương.
Sau phần lễ được lãnh đạo Trung ương và địa phương chung vui, không khí ngày hội càng thêm rộn ràng với các trò chơi dân gian bịt mắt đập om, đổ nước vào chai và trình diễn nghề truyền thống làm tranh, hoa giấy, viết thư pháp.
Bà Lê Thị Lượm chia sẻ, đã lâu lắm tổ dân phố 1 mới có dịp tề tựu và vui chơi cùng nhau. Đây là cơ hội để bà con lối xóm cùng ôn lại truyền thống đoàn kết quý báu, vun đắp lòng yêu quê hương cho thế hệ trẻ noi theo.
Hàng năm, vào tháng 11, khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh, không khí Ngày hội ĐĐK càng thêm rộn rã với các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc địa phương. Tại các vùng sông nước như thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền, nhiều giải đua ghe truyền thống được tổ chức nhằm tăng cường giao lưu và thu hút sự đăng ký tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân.
Với những vùng cao như Nam Đông và A Lưới, ngày hội là dịp để bà con tạm gác lại những lo toan trong cuộc sống, cùng dự bữa cơm thân mật. Khắp các bản làng, thôn xóm đều rộn rác tiếng cười với nhiều chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian được chuẩn bị công phu để thế hệ trẻ không quên đi giá trị truyền thống.
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc giai đoạn 2003 - 2023 do Mặt trận tỉnh tổ chức giữa tháng 5 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Nguyễn Nam Tiến cho biết, từ năm 2003 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; Mặt trận tỉnh đã chủ động triển khai hướng dẫn các khu dân cư tổ chức tốt Ngày hội ĐĐK toàn dân tộc.
Trong chương trình tổ chức Ngày hội, các khu dân cư đã tổng kết, đánh giá 1 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn; biểu dương, khen thưởng 29,7 nghìn tập thể và 76,6 nghìn gia đình, cá nhân tiểu biểu ở cộng đồng; tổ chức ký kết giao ước thi đua ở khu dân cư. Qua đó, động viên Nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tích cực tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, phát huy truyền thống tương thân tương ái, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh.
Cộng đồng chung sức
Thông qua ngày hội, sự đồng thuận và đoàn kết của người dân trong xây dựng và phát huy các phong trào phát triển quê hương cũng được tăng cường. Nổi bật, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, các đơn vị như thị xã Hương Trà, huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, A Lưới, Nam Đông… đã vận động người dân tham gia đóng góp tiền mặt hơn 120 tỷ đồng; 533 ngày công lao động với trị giá 142 tỷ đồng; hiến trên 3,1 triệu m2 đất trị giá hơn 290 tỷ đồng; tháo dỡ hơn 13 nghìn m2 tường rào; ủng hộ 880 nghìn cây các loại và các loại hoa màu... để góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Ngoài ra, 921 “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn” và nhiều mô hình tự quản ở khu dân cư cũng được các chi hội, đoàn thể đảm nhận quản lý hiệu quả, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa bàn khu dân cư.
Tại Ngày hội ĐĐK hằng năm, việc vận động quyên góp và phát huy sự chung tay của các mạnh thường quân cũng được phát huy tối đa. Trong 20 năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” 3 cấp đã huy động được hơn 220 nghìn tỷ đồng... MTTQ Việt Nam các cấp cũng trích Quỹ “Vì người nghèo” tặng hàng chục nghìn suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, tuy đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng trong quá trình tổ chức Ngày hội vẫn còn tồn tại một số hạn chế, yếu kém. Ở một số địa phương chưa xây dựng được sự cân đối giữa phần lễ và phần hội, nơi thì coi trọng phần lễ và có nơi thì ngược lại, thậm chí có nơi tổ chức còn hình thức, chưa phát huy được ý nghĩa của ngày hội, do đó chưa tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia. Có địa phương chưa nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tạo điều kiện của chính quyền cùng cấp.
Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đề nghị cần phải nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trong việc tổ chức và tham gia ngày hội. Đây là dịp để biểu dương những cá nhân có thành tích xuất sắc, những gia đình vượt khó vươn lên… làm động lực thúc đẩy người dân nâng cao nhận thức, niềm tự hào góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ngày hội ĐĐK phải là cơ hội để nâng cao sự đoàn kết, đồng lòng của người dân trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nông thôn mới và thực hiện các phong trào cộng đồng tại khu dân cư.
Ông Phan Ngọc Thọ cũng bày tỏ mong muốn Ngày hội sẽ tiếp tục được tổ chức hiệu quả, để mỗi tổ, khu dân cư luôn đoàn kết, gắn bó và đồng tâm, đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.