leftcenterrightdel
“Gỏi gà măng cụt” đang làm mưa làm gió trên các trang mạng xã hội 

Trên mạng xã hội Tiktok, những clip đăng tải về cách sơ chế măng cụt xanh, công thức làm món “gỏi gà măng cụt” và công thức làm món đồ uống “thần thánh” “trà mãng cầu”… lên đến hàng triệu lượt xem và nhận được rất nhiều lượng tương tác từ cư dân mạng.

Bạn trẻ Nguyễn Thị Bích Huyền, TP. Huế chia sẻ: “Lướt Tiktok thấy người người, nhà nhà làm món “gỏi gà măng cụt” nên mình cũng hỏi học và mua nguyên liệu về làm thử. Ngỡ rằng, gà và măng cụt sẽ không ăn nhập với nhau, nhưng khi làm đúng theo như công thức trên mạng thì lại cho ra một món ăn vô cùng “bắt vị”. Tưởng không ngon nhưng lại ngon không tưởng”.

“Món trà mãng cầu khá ngon, mình đã uống thử tại nhiều cửa hàng và phải công nhận rằng món trà này càng uống càng “cuốn”, rất thích hợp giải nhiệt cho mùa hè. Mình sẽ thử tìm tòi công thức và làm tại nhà để tiết kiệm chi phí hơn”, Bích Huyền cho hay.

leftcenterrightdel
Không thể bỏ qua món “trà mãng cầu” hot trend trong mùa hè này 

Tại Huế, nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm trà sữa cũng đã nhanh chóng “bắt trend” để chiều lòng khách hàng của mình. Theo chị Kim Chi, chủ cửa hàng vặt tại TP. Huế, món “gỏi gà măng cụt” vốn là đặc sản tại các vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long được người dân làm đãi khách khi đến mùa măng cụt. Nhờ Tiktok, nhiều người mới thực sự biết đến món ăn này.

Măng cụt làm gỏi là loại đã trái đã già nhưng vỏ còn xanh để có độ giòn, nhưng chế biến kỳ công vì măng cụt xanh có rất nhiều mủ. Một phần “gỏi gà măng cụt” có giá từ 100.000 - 200.000 đồng tùy theo phần to hoặc nhỏ và tùy vào độ hiếm của loại trái này.

Tìm hiểu tại các sạp trái cây trên địa bàn TP. Huế, măng cụt xanh phần lớn được thu hoạch từ các tỉnh miền Nam, mãng cầu có xuất xứ ở các tỉnh miền Tây. Được biết, năm nay, 2 loại trái cây này được mùa, sản lượng lớn. Chúng được vận chuyển ra các tỉnh miền Trung và liên tục cháy hàng trong những tháng gần đây. Những ngày này, nhu cầu tiêu thụ 2 mặt hàng trái cây rất “khủng”, nên các tiểu thương thậm chí phải đặt nhà vườn lấy hàng hằng ngày mới kịp trả đơn cho khách đặt trước. Giá mãng cầu dao động từ 90.000- 120.000 đồng/kg, măng cụt xanh chưa qua sơ chế dao động từ 65.000 - 80.000 đồng/kg, măng cụt xanh đã sơ chế có giá từ 300.000 - 500.000 đồng/kg. Giải thích lý do có mức giá như vậy, nhiều tiểu thương cho biết, loại măng cụt xanh này khi sơ chế khá tốn công và thời gian bởi loại quả này khi chưa chín có rất nhiều mủ, phải xả liên tục dưới vòi nước để rửa trôi mủ, đồng thời giúp măng cụt trắng và giữ được độ giòn.

Đối với món trà mãng cầu, nhiều tiệm cà phê, trà sữa cũng đã cập nhật món đồ uống “hot trend” này vào thực đơn, bởi khá nhiều thực khách yêu cầu. Chị Phương, chủ một tiệm trà sữa cho biết: “Rất nhiều người nhắn tin trên fanpage của tiệm yêu cầu làm món “trà mãng cầu”. Để chiều lòng khách hàng, mình cũng đã bỏ công tìm tòi, học công thức và tìm mua nguyên liệu. Để cho ra món “trà mãng cầu” thơm ngon, mình cũng đã trải qua hơn 1 tháng nghiên cứu, sau khi tìm được công thức chuẩn mới đem bán và rất vui nhận được nhiều lời khen từ khách hàng”.

Cũng theo chị Phương, mãng cầu đang khá hiếm nên tìm được lô mãng cầu ngon khó khó khăn. Có lô chị mua toàn quả xanh, về phải ủ 1-2 ngày mới bán được cho khách. Cùng với đó, giá mãng cầu cũng tăng vùn vụt, mua sỉ cũng phải tầm từ 50.000 đồng/kg trở lên. Nói vui như cư dân mạng “năm nay là năm “tam tai” của măng cụt xanh và mãng cầu”, bởi 2 loại quả này được săn đón triệt để, khó mà tìm được nơi nào ế hàng 2 loại quả này dù giá cao đến đâu.

Từ hai món ăn này, cũng có thể thấy rằng Tiktok thật sự là một kênh truyền thông khá mạnh nhằm quảng bá sản phẩm đặc sản địa phương. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, cũng cần cẩn trọng bởi trào lưu chỉ có sức hút trong một thời gian ngắn, nên người bán cũng phải tận dụng tối đa những khoảng “thời gian vàng” để kinh doanh một cách hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Diệp Chi