leftcenterrightdel
Cá thu về bờ 

Những ngày chưa quá xa

Dù có lúc thăng trầm, lúc tôm cá đầy khoang, khi thuyền lại về không nhưng với ngư dân thì biển bao giờ cũng là nguồn sống vô tận của bao phận người. Mùa nào cá nấy, tùy thuộc vào con nước lớn - ròng với các loại ngư cụ thích hợp, ngư dân cứ thế buông lưới giăng câu suốt bốn mùa. Chỉ những ngày bão tố, con sóng giận dữ mới có dịp “nông nhàn”.

Theo đuôi tôm cá từ thuở nhỏ, ông Ngô Đức Tâm ở xã Phú Thuận (Phú Vang) nếm trải bao ngọt đắng của đời ngư phủ. Gác lại một thuở đèn sách vì không có điều kiện ăn học, ông Tâm cũng như bao lớp trẻ miệt biển nối nghiệp cha anh. Thuở mới vào nghề, hầu như chưa một ai biết đến và nghĩ đến chuyện đánh bắt xa bờ. Mà có biết chăng nữa thì cũng không có vốn đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn khơi.

Ông Tâm cũng như bao ngư dân cùng quê, cùng cảnh đành đóng những con thuyền công suất nhỏ khai thác hải sản ven bờ. Chiếc thuyền dù nhỏ nhưng lại đủ nghề chài lưới, giăng câu quanh năm, là phương tiện mưu sinh chính của ngư dân vùng bãi ngang ven biển. Hồi đó, hải sản gần bờ vô cùng phong phú, đa dạng, nguồn lợi lại dồi dào, như: cá trích, nục, ngừ, tôm, mực, ruốc (khuyết), cơm, duội, bạc má, mó, gà, tho... Có những vụ mùa, những ngày đẹp trời, thuyền ngư dân liên tục đi biển, khoang chở đầy ắp cá.

Cứ mỗi hành trình đánh bắt ven bờ, ngước mắt về phía biển khơi, ông Tâm lại ưu tư, trăn trở, luôn trăn trở vì sao biển bao la, rộng lớn, tài nguyên lại phong phú, dồi dào nhưng ngư dân vẫn chưa thể làm giàu. Bài toán đặt ra và cả lời giải đáp cũng chính từ ngư dân từng tâm nguyện suốt một đời bám biển này: “Đã đến lúc phải vươn khơi xa hơn, tìm luồng cá lớn, có giá trị kinh tế cao hơn. Muốn làm được vậy thì phải có tàu công suốt lớn, ngư cụ hiện đại, đa dạng hơn”.

Niềm trăn trở, suy nghĩ của ông Tâm đúng vào thời điểm ra đời của một chủ trương khuyến khích, động viên ngư dân cải tiến, đóng mới tàu công suất lớn để bám biển, vươn khơi xa đem lại nguồn lợi lớn từ biển. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ông Tâm dễ dàng tiếp cận với chính sách ưu đãi từ các nguồn vốn vay phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ. Ông Tâm và một số ngư dân quyết định hướng đến mục tiêu lớn trong đời ngư phủ của mình là phải vay vốn và đóng bằng được chiếc tàu công suất lớn để vươn khơi, bám biển khai thác hiệu quả và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Các ngân hàng cho vay vốn hồi đó sau khi   đánh giá, thẩm định tính chuyên nghiệp, hiệu quả nghề khai thác biển của ông Tâm và nhiều ngư dân đều gật đầu. Vậy là không bao lâu, một chiếc tàu vỏ gỗ công suất lớn của chủ nhân có biệt danh “Tâm tàu cá” hạ thủy và có chuyến biển đầu tiên cách đây chừng hơn 20 năm trước. Cũng chỉ chừng chục mùa vươn khơi, có những chuyến đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa khai thác luồng cá lớn, có giá trị kinh tế, ông Tâm trả hết nợ ngân hàng.

Hồi đó, chuyện khai thác những mẻ cá cờ, ngừ, chủa, thu, cam... rất đỗi bình thường đối với ông Tâm và bạn nghề vùng biển, như: Phú Thuận, Thuận An, Vinh Thanh, Phú Hải. Những chuyến biển trở về, tàu nào cũng đầy ắp cá. Cá, tôm hồi đó vừa bán được giá, có giá trị kinh tế, giá nhiên liệu lại chưa cao nên phần nhiều các chuyến biển đều có lãi, thậm chí lãi lớn. Cuộc sống sung túc, nhà cửa bề thế của nhiều ngư dân có được như hôm nay chính nhờ vào nghề đánh bắt xa bờ một thời rất hiệu quả. 

Vắng dần cá quý

Bây giờ, chuyện trúng đậm những mẻ cá cam, thu, chủa, cờ, ngừ đại dương... chỉ còn là ký ức một thời của ngư dân. Ông Tâm và cả nhiều ngư dân vẫn chưa thể lý giải nguyên nhân vì sao những loài cá có giá trị kinh tế đang dần trở nên khan hiếm, nhiều chuyến biển không thể có nổi một con ngừ đại dương, cờ, cam, chủa... Thay vào đó là những mẻ cá nục cỡ nhỏ và các loại cá có giá trị kinh tế thấp, sản lượng lại không nhiều như trước. 

Một thời trên địa bàn tỉnh có đến 11 chiếc tàu chuyên câu cá ngừ đại dương. Đây là loại cá lớn, có giá trị kinh tế cao, thường sinh sống ở những vùng nước sâu, biển khơi. Hoạt động khai thác cá ngừ đại dương của số tàu này diễn ra không lâu do sản lượng ngày càng trở nên khan hiếm, chủ yếu tập trung xa bờ, ngư trường lớn. Điều này đòi hỏi máy dò cá phải hiện đại mới có thể phát hiện để thuận lợi cho việc khai thác. Trong khi máy dò cá của các tàu đang có đã lạc hậu nên phải bỏ nghề câu cá ngừ đại dương từ nhiều năm nay.

Ông Tâm trăn trở, chưa bao giờ nghề đánh bắt xa bờ lại chồng chất muôn vàn khó khăn như hiện nay, dù số lượng, công suất tàu, ngư cụ ngày càng hiện đại. Nhất là từ khi “Nghị định 67” ra đời đến nay, trên vùng biển của tỉnh hiện diện nhiều tàu vỏ gỗ công suất trên 800CV trở lên và có 5 chiếc tàu vỏ thép công suất trên 1.000CV trở lên được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi... Số lượng tàu công suất lớn tăng nhanh, nhiều nhưng sản lượng hải sản lại ít, chủ yếu các loại có giá trị kinh tế thấp nên không có lãi, hoặc lãi ít, thậm chí thua lỗ. Một nghịch lý hiện nay là tàu công suất càng lớn thì hiệu quả đánh bắt có thể càng thấp do bám biển dài ngày, chi phí nhiên liệu lại tăng cao, trong khi sản lượng mỗi chuyến biển không nhiều.

Một đời ngư phủ, ông Tâm rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc hiện đại hóa nghề biển, “chạm” đến ngư trường lớn trước yêu cầu mới hiện nay. Ông Tâm chỉ ra rằng, các nghề của ngư dân hiện nay phần lớn giã cào, lưới mành, vây rút chì… đã lạc hậu so với ngư trường nhiều biến động. Các chủ tàu, thuyền viên đều có tâm lý “ăn xổi”, miễn có cá mang về là được, trong khi việc thăm dò, phát hiện luồng cá có giá trị không thể ngày một ngày hai mà có khi mất mười ngày, nửa tháng. Thậm chí bám biển cả tháng, chỉ cần trúng một mẻ cá lớn, có giá trị kinh tế thì sẽ có lãi.

Máy dò luồng cá được xác định có vai trò quan trọng trong phát hiện, tìm kiếm nguồn lợi hải sản trong hoạt động khai thác xa bờ hiện nay. Máy dò cá có liên quan rất lớn đến quy mô, hệ thống, thiết bị ngư lưới cụ. Vậy nên, việc đầu tư quy mô chiều cao, độ dài của lưới, nghề câu một phần phụ thuộc vào công nghệ dò cá. Trong khi so với nhiều tỉnh, thành như Khánh Hòa, Bình Định... thì ngư dân trên địa bàn tỉnh tụt hậu rất nhiều trong việc đầu tư máy dò cá xa bờ. Nhiều ngư dân các tỉnh đầu tư máy dò cá rất hiện đại, có giá trị đến 3 tỷ đồng thì máy dò của ngư trên địa bàn tỉnh cao lắm chỉ vài trăm triệu đồng.

Giữa đại dương mênh mông, đặc biệt là ngư trường vùng biển xa, biển khơi nếu không đầu tư thiết bị dò cá, ngư lưới cụ hiện đại, phù hợp sẽ thất bại trong hoạt động đánh bắt xa bờ. Ngoài đầu tư, sử dụng công nghệ hiện đại, các chủ tàu phải kiên trì bám ngư trường, vươn khơi xa thăm dò luồng cá, kiên trì đánh bắt các loại cá có giá trị kinh tế cao.Khi chưa có sự đầu tư thỏa đáng, phù hợp thì nghề đánh bắt xa bờ khó mang lại hiệu quả, bền vững. Ngư dân lại thêm những vụ mùa thấp thỏm.

Bài, ảnh: Hoàng Triều