leftcenterrightdel
 

Hắn có tố chất của một học sinh giỏi. Nhưng đến năm lớp 10, hắn bắt đầu trượt dốc, thường trốn học đi chơi. Đến năm lớp 11, chị hắn về trường - chị Loan, chị/cô đã tín nhiệm giao tôi dìu hắn dậy. Tính ra, giữa tôi và hắn cũng có duyên, mẹ tôi là cô giáo của chị em hắn, giờ chị hắn lại làm cô giáo của tôi. Tôi đã nỗ lực vừa học vừa lo lấp chỗ hổng cho hắn để không phụ lòng cô.

Chuyện hai đứa cùng học, phải nhờ cái uy của mẹ, của chị Loan. Nể chị, nể cô giáo kính yêu nên mới chịu học chung, chứ đừng hòng tôi rủ được. Trước giờ, chỉ mỗi tôi âm thầm cảm mến chứ hắn có mở miệng nói với tôi nhiều đâu. Nếu có việc cần thì nói một hai tiếng rồi thôi. Mấy đợt nhà có việc, tôi phải theo mẹ, chạy đi chạy về giữa núi và xuôi, mỗi lần về xóm núi, hắn cũng chỉ hỏi, ổn không, hỏi mà chẳng thèm nghe câu trả lời luôn.

Vậy mà thật khó hiểu, chỉ sau tuần học nhóm đầu tiên, hắn đề nghị làm anh em kết nghĩa. Ok. Vậy là thành anh trai, em gái. Hai đứa học hành chăm chỉ. Năm 11, kết quả xếp loại học lực của hắn sém giỏi chứ ít gì. Mùa hè năm cuối cấp, tôi bảo hắn hứa sẽ cùng tôi vào đại học. Hắn cười, tôi hiểu đã đồng ý.

Hè đó, những ngày hai đứa cùng học sẽ là những ký ức không bao giờ phai nhạt, được tôi nâng niu từng ngày. Mùa học trò cuối cấp ôn thi cũng là mùa phượng bung sắc. Tôi gọi là những chùm hoa nắng. Hắn khen cách gọi dễ thương. Chỉ vậy mà tôi sướng rụng rời. Sân trường trên núi không rộng, không phẳng. Cả sân trường cũng chỉ có hai gốc phượng to tướng. Hôm nào đi học, tôi cũng đi sớm hơn lịch hẹn để lom khom nhặt hoa phượng. Đẹp quá, hoa phượng đỏ, hoa phượng tươi, hoa phượng cháy kiệt cùng như hàm ý nhắc nhở những cô cậu học trò cuối cấp còn chưa kịp tỉnh ngộ. Có lần tôi nói như vậy, hắn lườm: “Tôi tỉnh ngộ kịp rồi cô bé hoa phượng lắm lời ạ”. Lại một câu đùa làm hai má tôi đỏ ửng. Tôi phân bua: “Má tui đỏ là do màu của hoa phượng dội vào đó nha. Ai làm gì mà thanh minh, thanh nga trời. Kệ tui!”. Tôi nói rồi lại tự nhiên đi nhặt hoa phượng, cho vào mũ. Có lần tôi bảo hắn hãy ghi tên mỗi đứa vào một cánh phượng, cánh phượng có tên của hai đứa sẽ không héo tàn. Hắn bảo đồ sến sẩm, toàn nghĩ chuyện hoang đường. Chán, người chi đâu khô khốc đến sợ. Nếu không có những ý nghĩ lãng mạn hay ho như vậy thì tôi đâu đã sát cánh làm “đôi bạn cùng tiến” với hắn.

Cứ nói chuyện kiểu lấp lửng như vậy, hắn thế nào không biết, còn tôi, nghe từng tế bào trong mình cứ lâng lâng xao xuyến. Ngồi bên nhau học, trong khi hắn coi bộ nghiêm túc thì hai con mắt ngỗ ngược của tôi lại thi thoảng nhìn trộm hắn. Nhưng tôi vẫn tỉnh. Vẫn nhớ nhiệm vụ học tập là trên hết nên đã mặc kệ khi hắn lấy mũ đội cho tôi lúc sân trường bắt đầu có nắng.

Chuyện tình học trò với hắn, khoảnh khắc đáng nhớ nhất, đó là buổi tối hắn “to gan” đến nhà tôi hỏi bài - chuyện lạ như bỗng một ngày mặt trời mọc ở đằng tây vậy - rồi chủ động rủ học tăng thêm một buổi nữa chứ. Buổi học hôm đó, lúc giải lao, bỗng dưng hắn kể chuyện, tôi kinh ngạc, không biết hắn đào đâu ra cổ tích về hoa phượng hay ho như vậy.

Ngày xưa, có một ông thầy dạy võ vì hoàn cảnh nên sống đơn chiếc. Ông đã nhận về năm người con trai để chăm nom, mỗi ngày đều cho các con mặc áo đỏ. Các con được ông dạy võ và cho đi học chữ nữa. Khi vùng có một tên giặc ác ôn, tàn bạo đến, sức mạnh hủy diệt của hắn đã giết chóc, gieo tang thương cho dân làng. Ông thầy dạy võ đã tương kế tựu kế, bọc năm người con trai giỏi võ nghệ của mình vào một mâm xôi gấc to, và ông đã dũng mãnh đội mâm xôi đó đến tìm tên ác ôn. Tên quỷ dữ đã phóng dao vào ngực người thầy khi ông vừa đến. Liền sau đó, năm người con được xôi phủ kín đã vùng dậy, đâm phập cả năm thanh kiếm vào ngực tên giặc ác ôn. Thương bố nuôi đã mất, năm người con trồng quanh mộ ông năm gốc cây, hy vọng bóng cây sẽ che mát cho cha. Hằng năm, giỗ bố, các con đều mặc áo đỏ đến thăm mộ. Đến khi năm người con trai lần lượt mất đi thì năm gốc cây đã bung xòe những chùm hoa vun vê, đỏ thắm như mâm xôi gấc ngày nào. Mỗi năm, mùa hè đến, hoa lại bung nở đầy cây, đỏ trời. Những bông hoa đỏ thắm là tấm lòng của những người, con, là quyết tâm đánh giặc giữ làng. Hoa  lại có những quả, dài như những thanh gươm của những người con trung hiếu. Đó là cây hoa phượng bây giờ.

- Hay để tui nói mẹ nhận mấy người làm con nuôi rồi cho mặc áo đỏ để sau này làm nên những chiến công nha?

- Không, tui cũng tính bữa nào sẽ kêu “cô” bằng “mẹ”. Nhưng hông phải… mẹ nuôi mà là mẹ...

- Là mẹ gì?

- Nhỏ hỏi chi!?...

Câu chuyện của hai đứa lại dừng lại ở chỗ “kịch tính” nhất.

Trong khi tôi loay hoay ôm mộng mơ với câu đùa bỏ lửng cùng nụ cười ẩn ý thì hắn lại lầm đường lạc lối. Cái tội đánh nhau với bạn gây thương tích, cũng tại cái lỗi nóng tính và không biết làm chủ bản thân. Một bài học đích đáng, có điều cái giá hơi đắt. Nó đến đúng vào lúc kỳ thi quan trọng của đời học sinh đang còn lại những con số trên đầu ngón tay.

Ngày xuống phòng tạm giam thăm hắn. Bao nhiêu điều định nói tới lúc đó tự nhiên bị chặn ngay cổ họng, không thể mở thành lời. Thấy bộ tôi lúng túng, hắn nói trước:

- Sao không nói gì? Thấy đáng ghét lắm hả?

Tôi ngồi im, không dám nhìn trực diện vào hắn. Giữa hai đứa là một quãng im lặng, bối rối. Tôi ngồi thêm một lát rồi đứng dậy, trước khi quay đi thì nói: “Bảo trọng!!”.

Trên đường về, tôi muốn cua xe, muốn quay lại trại giam, để kể lại kỷ niệm bấy lâu tôi ấp ủ, mà hắn, chắc không bao giờ biết.Mọi chuyện cũng từ cái lần ấy. Cái lần tôi và hắn đang học cùng trước sân trường, đang ngồi dưới gốc phượng thì cơn mưa bất ngờ ập đến. Nhanh khủng khiếp. Mưa bóng mây. Đang nắng nhưng “rào”, một cơn mưa nhanh không kịp trở tay, hai đứa áp sát người vào gốc phượng.

Cơn mưa qua đi, toàn thân tôi lúc ấy là những giây thần kinh xao xuyến. Lạ lắm, khuôn mặt bầu bĩnh được bọc kín bởi chiếc áo khoác trùm phủ đầu nhưng không che đậy được sự e thẹn, mắc mưa mà tôi thấy mặt nóng rang. Chắc tại hương mồ hôi từ chiếc áo ngoài của gã cứ phảng phất. Hay tại giọng gã là lạ, lo lắng, bực bội khi thấy da thịt tôi bết dưới làn vải trắng.

- Gỡ chiếc áo trên đầu mặc vào luôn đi!

Hắn khó chịu hét, tôi sượng tê tái. Chở tôi về, suốt đường đi, tôi không nói tiếng nào.

***

Hắn vào tù. Tôi trở thành sinh viên đại học sư phạm.

Tôi và hắn bặt vô âm tín. Có lẽ chỉ mỗi tôi còn nhớ hắn. Tình yêu, hóa ra chỉ là cuộc chiến của một người. Tôi nhớ có đọc ở đâu đó, tình đầu tan vỡ cũng đau na ná hồi nhỏ té xe đạp thôi. Vết thương lúc đầu đau buốt nhưng thời gian qua đi, rất nhanh thôi, có một ngày nhìn lại nó đã thành sẹo từ đời nào rồi. Nên thôi, lo học hành cái đã, việc tôi cứ ngong ngóng lo nghĩ cho hắn e là quá sức.

Bắt mình không được nghĩ về hắn nữa, tôi thấy cô đơn quá đỗi. Giữa giảng đường, giữa nội trú, giữa những cuộc tụ tập bạn bè, tôi đều thấy mình cô lẻ.

Rồi một ngày, ngày thật bồng bềnh, mây trắng xốp, nắng mong manh. Hắn đã đứng đợi tôi trước cổng trường. Bàng hoàng, sững sờ, hạnh phúc.

Tôi và hắn đi chơi. Hắn bảo chỉ bị giam ba tháng, đã trở lại trường nghề từ lâu, giờ chuẩn bị đi thực tập rồi. Lời của hắn làm tim tôi nở hoa. Được hắn cầm tay dắt đi, tim tôi lẩy bẩy.

Vừa đi hắn vừa thì thầm câu chuyện “cổ tích phượng”. Rồi hắn bảo, hãy nhắm nghiền mắt để nghĩ về hoa, một chùm hoa vun vê lộng lẫy sẽ từ từ hiện ra. Tôi nhắm mắt lại, hy vọng khi mở ra sẽ thấy một trời hoa phượng, rực rỡ là màu hoa chiến thắng...

Nguyễn Thị Bích Nhàn