Năng lượng tái tạo mở ra nhiều cơ hội đầu tư tại các quốc gia châu Á. Ảnh minh họa: THX/TTXVN |
“Động lực ngày càng tăng đằng sau quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu sẽ mang lại hy vọng rằng, chúng ta có thể tạo ra một thế giới phát thải ròng bằng 0”, tác giả David Smith lập luận.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quá trình chuyển đổi sẽ tốn kém, và đòi hỏi tổng đầu tư năng lượng sạch hàng năm ở mức 5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Khoản đầu tư này sẽ có khả năng tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và trong các ngành kỹ thuật, sản xuất và xây dựng, qua đó thúc đẩy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Trước đây, châu Á từng được xem là một khu vực tụt hậu trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Là một khu vực chủ yếu sử dụng năng lượng từ than đá, nhằm bắt kịp các nền kinh tế tiên tiến hơn, châu Á cần phát triển năng lực sản xuất năng lượng nhiều hơn một cách đáng kể.
Trong đó, một vấn đề lớn là đối với nhiều quốc gia châu Á, trong khi tổng lượng khí thải carbon ở mức cao, thì lượng khí thải bình quân đầu người vẫn ở mức thấp; cho thấy nguy cơ đối với sự gia tăng đáng kể lượng khí thải carbon khi các quốc gia phát triển nền kinh tế. Nếu thế giới muốn giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C, thì cường độ carbon trong tiêu thụ năng lượng của châu Á cần phải giảm.
Cũng theo ông David Smith, có lý do để lạc quan, khi các nền kinh tế hàng đầu châu Á đã công bố mục tiêu không phát thải ròng đầy tham vọng; trong đó, Trung Quốc đặt mục tiêu đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060, và mục tiêu này của Ấn Độ là vào năm 2070...
Những giải pháp đến từ châu Á
“Châu Á ngày càng trở thành nơi chúng ta có thể tìm thấy các giải pháp công nghệ cao, giúp cung cấp năng lượng cho thế giới không phát thải”, tác giả của bài viết nhận định.
Đối với các nhà đầu tư, hiện có rất nhiều cơ hội đầu tư bền vững, từ việc cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo và các công ty sản xuất năng lượng đổi mới sáng tạo, cho đến các giải pháp công nghệ tiên tiến hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc. Các Chính phủ và nguồn vốn tư nhân đang chi hàng triệu USD cho các phương án phát triển carbon thấp hơn, những giải pháp đang trở nên tốt hơn, rẻ hơn và được phát triển tại châu Á.
Năng lượng tái tạo đã từng đắt hơn nhiều để sản xuất và vận hành, vì vậy rất khó để chuyển đổi nếu không có trợ cấp lớn từ các Chính phủ. Giờ đây, chúng ta đang ở thời điểm mà năng lượng tái tạo ở mức ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn so với nhiên liệu hóa thạch về chi phí điện năng.
Ngoài ra, pin năng lượng mặt trời, gió và xe điện vốn là những lĩnh vực mà châu Á dẫn đầu thế giới. Pin cung cấp năng lượng cho xe điện trên toàn cầu thường được cung cấp bởi công nghệ của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Công ty sản xuất pin lớn nhất thế giới tính theo công suất là CATL ở Trung Quốc, tiếp theo là LG Energy Solution ở Hàn Quốc.
Nơi nhìn thấy cơ hội
“Chúng ta nhìn thấy rất nhiều cơ hội, nhất là ở Trung Quốc, nơi có các công ty hàng đầu trong những lĩnh vực bao gồm linh kiện năng lượng tái tạo, pin xe điện và các trung tâm dữ liệu hiệu quả hơn về năng lượng”, ông David Smith cho biết. Trong đó, các trung tâm dữ liệu là một yếu tố quan trọng. Theo IEA, các trung tâm dữ liệu chiếm khoảng 300 tấn CO2 tương đương vào năm 2020, ở mức 0,9% lượng khí thải nhà kính liên quan đến năng lượng.
Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ đang cải thiện phạm vi hoạt động và giảm chi phí của xe điện, cuối cùng cho phép điện thay thế dầu để trở thành năng lượng cho các phương tiện hạng nhẹ. Từ đó, ngành công nghiệp pin lithium-ion đang thúc đẩy sự chuyển đổi rất cần thiết sang xe điện toàn cầu, trong bối cảnh ngành vận tải đóng góp 1/4 lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Có thể thấy, tại Ấn Độ, Power Grid là một công ty quản lý mạng lưới điện quốc gia và một số mạng lưới điện trong khu vực. Đơn vị này truyền tải khoảng một nửa tổng lượng điện được sử dụng trong nước. Điều này giúp cung cấp khả năng tiếp cận đối với năng lượng tái tạo của Ấn Độ trong thời gian dài hơn. Công ty này sẽ được hưởng lợi từ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, cũng như từ việc Ấn Độ thúc đẩy hướng tới năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng liên quan. Hiện tại, phần lớn chi tiêu vốn của công ty này tập trung vào việc kết nối và truyền tải năng lượng tái tạo thông qua việc phát triển các “hành lang xanh”, hay những đường truyền tải giúp kết nối các khu vực đô thị với công suất phát năng lượng tái tạo.
Qua đó, ông David Smith khẳng định: “Châu Á vốn đang cho chúng ta thấy, đa số năng lượng có thể được tạo ra từ năng lượng tái tạo, và nhiều trong số những giải pháp tốt nhất có thể đến từ khu vực này”.