leftcenterrightdel
 Tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 đã sụt giảm trong những tháng gần đây. Ảnh: AFP/TTXVN

Một câu hỏi quan trọng là làm thế nào để xử lý một loại virus đang trở nên ít đe dọa hơn đối với hầu hết mọi người nhưng vẫn “cực kỳ nguy hiểm” đối với một bộ phận dân số.

Thực tế, nhóm dân số bị ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với suy nghĩ của nhiều người: COVID-19 là “kẻ giết người” cao thứ ba ở Mỹ vào năm ngoái, chỉ sau bệnh tim và ung thư. Tuy nhiên, không giống như các nguyên nhân gây tử vong phổ biến khác như hút thuốc và tai nạn giao thông – vốn được hạn chế bằng sự ra đời của các điều luật an toàn, các chính trị gia hiện dường như không nỗ lực thúc đẩy các cách để giảm thiểu tác hại từ COVID-19, chẳng hạn như bắt buộc tiêm chủng hoặc đeo khẩu trang trong không gian kín, trang Bloomberg cho hay.

“Mong muốn chung của thế giới là vượt qua đại dịch và bỏ COVID lại phía sau, nhưng chúng ta không thể trốn tránh sự thật… COVID vẫn lây nhiễm và giết chết rất nhiều người”, ông Ziyad Al-Aly, Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Lâm sàng tại Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe St. Louis dành cho Cựu chiến binh ở Missouri (Mỹ) thừa nhận.

Ngay cả trước khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố vào đầu tháng này rằng COVID-19 không còn là trường hợp khẩn cấp nữa, hầu hết các chính phủ đã nới lỏng các biện pháp phong tỏa và hướng dẫn. Sau khi chi tiêu mạnh tay trong các giai đoạn đầu của đại dịch, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã giảm bớt các nỗ lực và miễn cưỡng theo đuổi các biện pháp phòng ngừa mà công chúng không còn lắm mặn mà.

Trong khi đó, căn bệnh lây nhiễm vốn gây ra ít nhất 20 triệu ca tử vong trên toàn thế giới này vẫn tiếp tục phát triển, khiến người già và những người mắc bệnh nền phải phó mặc cho sự may rủi, khả năng tiếp cận thuốc men không đồng đều và ít được bảo vệ khỏi những người khác nếu không đeo khẩu trang hoặc tiêm vaccine gần đây.

Tại sao không có kế hoạch dài hạn?

Một kế hoạch dài hạn, toàn cầu để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và ngăn chặn sự bùng phát trở lại đã không thành hiện thực, một phần là do khó có thể tạo ra bất kỳ sự đồng thuận nào về COVID-19. Ngay từ đầu, nhiều vấn đề bất đồng đã làm lu mờ các hướng dẫn chính thức về đeo khẩu trang và tiêm chủng.

Ngay cả ở các nước phát triển, nơi vaccine có sẵn trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi xảy ra đại dịch, nhiều người đã từ chối sử dụng. Các nghiên cứu cho thấy việc không tiêm chủng đã dẫn đến thêm hơn 300.000 ca tử vong ở Mỹ, tương đương với khoảng 50% số người chết vì COVID-19, trong suốt năm 2021. Trên toàn cầu, thêm 500.000 người nữa có thể đã không phải chết nếu tiêm chủng đúng lúc.

Theo ông Al-Aly, chính trị hóa sức khỏe cộng đồng là một trong những thảm kịch của đại dịch, và chính trị cũng gây cản trợ cho sự phối hợp toàn cầu. Theo đó, với 2 siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, nếu họ không hợp tác trong việc đối phó với đại dịch, thì “làm sao chúng ta có thể nói thế giới đã sẵn sàng cho dịch bệnh tiếp theo?”, ông Wang cho hay.

Ngoài ra, cảm giác khẩn cấp giảm dần cũng có nghĩa là sự gia tăng đầu tư vào vaccine và các phương pháp điều trị COVID-19 cũng đã hạ nhiệt. Trong khi các công ty như Moderna và Pfizer vẫn đang cập nhật các sản phẩm, cố gắng làm cho chúng dễ sản xuất và lưu trữ hơn, nhiều trong số hàng trăm phương pháp mới được hình thành ban đầu đã bị bỏ mặc.

Tại Mỹ, các chuyên gia sẽ họp vào tháng 6 tới để tư vấn về chủng virus nào mà vaccine nên nhắm tới trong những tháng cuối năm. Những loại vaccine này sẽ ra mắt vào mùa thu, với dự kiến chỉ khoảng 100 triệu liều ở Mỹ, theo ước tính của Moderna, ít hơn nhiều so với những năm trước.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Bloomberg)