Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu điều hành phiên thảo luận tại tổ. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Tổ 4 gồm các đoàn: Hải Phòng, Lai Châu, Cà Mau, Thừa Thiên Huế. Buổi thảo luận xoay quanh các vấn đề về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022 và chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Các ĐBQH đánh giá cao những nỗ lực của đất nước thông qua bức tranh kinh tế – xã hội những tháng đầu năm. Song, nhiều hạn chế cũng được chỉ rõ.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nhìn nhận, 5 tháng đầu năm kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, sản xuất đình trệ vì khủng hoảng, lạm phát, đầu ra hạn hẹp. Các dự án mới gặp khó bởi vướng thủ tục; du lịch nội địa tuy phục hồi nhưng lượng khách quốc tế không như kỳ vọng…
Trong bối cảnh đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng của doanh nghiệp gặp trở ngại bởi có quá nhiều điều kiện. Điển hình như bất cập trong việc đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy của doanh nghiệp…
Qua các đánh giá, phân tích, đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh) cho rằng, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa đang gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu dẫn chứng bằng các nhóm vấn đề như, thủ tục vay vốn rườm rà hay có hiện tượng các ngân hàng thương mại yêu cầu thêm phí giải ngân, bảo hiểm và quy định nhỏ khác gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhận định, trong khi dòng vốn liên tục được chỉnh sửa, nhưng tác dụng thực tế là thị trường tài chính mong muốn được khơi thông vẫn còn gặp khó.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam cũng trăn trở về công tác giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt được khối lượng mà Quốc hội phê duyệt, do vậy, cần giải ngân mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn.
Đại biểu Nguyễn Hải Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu ý kiến tại buổi thảo luận. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Cũng vấn đề này, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu nêu ý kiến về việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương cho chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo quan điểm bà Sửu, tiến độ phân bổ vốn đang chậm. Đối với nguồn vốn đã được phân bổ thì thiếu văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng để thực tiễn hóa.
Cũng là các văn bản pháp luật, đại biểu Nguyễn Hải Nam cho rằng, công tác xây dựng các văn bản dưới luật chưa cụ thể, thống nhất, các doanh nghiệp vẫn chưa hiểu rõ nên chưa mạnh dạn áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát và xử lý để tháo gỡ về mặt căn cứ pháp lý, từ đó gỡ vướng cho doanh nghiệp. Việc soạn thảo các văn bản dưới luật cũng phải dung hòa các quy định sẽ hạn chế khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước thực trạng một loạt dự án đình trệ gây lãng phí xã hội, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu đề nghị phải thể chế hóa, cho chủ trương chung để xử lý sai phạm; có hướng dẫn chi hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đối với chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022, đại biểu Nguyễn Hải Nam đánh giá cao tính cấp thiết, song đại biểu cho rằng, cần hoạch định chính sách, xem lại quá trình triển khai có gây khó khăn cho doanh nghiệp không, có đạt được mục tiêu chính sách hay chưa. “Thiết kế chính sách cần có tính ổn định để mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế”, đại biểu Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cũng lo lắng về việc giảm thu ngân sách Nhà nước và kiến nghị giải pháp bù đắp những khoản thu giảm song song với đó là tăng cường công tác quản lý.
Về quyết toán ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, chuyển nguồn và việc huy động, quản lý các khoản vốn vay, bội đắp, bội chi, trả nợ gốc, lãi các khoản tạm ứng chi ngân sách Nhà nước.
“Cần tăng cường các giải pháp kiểm soát bội chi nợ công nhằm đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo kinh tế vĩ mô; rà soát khoanh nợ thuế, xóa nợ thuế”, bà Sửu nêu quan điểm.
Liên quan đến việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Nguyễn Hải Nam đề nghị, cơ quan quản lý cần phối hợp tốt, có chính sách quyết liệt, thống nhất để giải quyết khó khăn bởi ngoài các mặt tích cực, vẫn có những lĩnh vực Agribank hoạt động chưa hiệu quả.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu kiến nghị, trong quá trình cơ cấu phần tài sản có rủi ro cần chú ý nhóm có hệ số rủi ro 100%, đó là vay nông nghiệp nông thôn.
“Bổ sung vốn điều lệ với mục đích đáp ứng phục vụ kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là lĩnh vực tam nông, nhưng phương án cho lĩnh vực tam nông chưa rõ, trong đó cần cụ thể hóa phương án cho vay hỗ trợ đầu tư lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp”, bà Nguyễn Thị Sửu nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm của các ĐBQH, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu nói thêm, cần tính toán kỹ lưỡng các điều kiện, chi phí, yếu tố hình thành nên vốn điều lệ của Agribank.
Chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).