Cơ sở vật chất hiện đại giúp của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài có thể mở đường bay quốc tế |
Những thách thức
Việc mở rộng quy mô của Cảng HKQT Phú Bài từ 1,5 lên 5 triệu lượt khách/năm tạo ra cơ hội cho Huế thu hút hành khách là khách du lịch nhiều hơn là so với các hình thức di chuyển công vụ, hay thăm thân thuần túy. Làm gì để “lấp đầy” công suất 5 triệu lượt khách đang được Thừa Thiên Huế và đơn vị khai thác trực tiếp tích cực triển khai. Dù thế, thực tiễn cho thấy, không ít thách thức được chỉ ra.
Đầu tiên là câu chuyện được bàn đi, bàn lại thời gian qua là sức hút của điểm đến. Như các phân tích, đối tượng hướng đến của Cảng HKQT Phú Bài là khách du lịch. Nhưng dù có tăng chuyến, mở đường bay mới, cơ sở vật chất hiện đại… mà điểm đến không có gì mới, chưa đủ sức hấp dẫn thì khó đạt được các mục tiêu đề ra. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Chi nhánh, Văn phòng Chi nhánh Vietnam Airlines tại Huế đã không ít lần nhấn mạnh, điểm đến, sức hút du lịch Cố đô phải tốt hơn nữa với nhiều sản phẩm mới, chất lượng và khác biệt. Đó là tiền đề để tăng chuyến hay mở đường bay.
Đối với mở đường bay mới, đặc biệt là các đường bay quốc tế. Bên cạnh Đông Nam Á, các thị trường như Đông Bắc Á, xa hơn là châu Âu, châu Mỹ hiện đang đòi hỏi visa rất nghiêm ngặt. Như Hàn Quốc xét visa rất khắt khe. Những sự cố nhiều du khách trốn ở lại lao động trái phép khiến những chính sách siết chặt hơn nữa về thủ tục hồ sơ xin visa, tỷ lệ đánh trượt lên đến 50%. Giấy tờ quan trọng cần có để xin visa đi Hàn Quốc là hợp đồng lao động, sổ bảo hiểm xã hội... Du khách không có hộ khẩu ở những thành phố lớn thì cần chứng minh tài chính thông qua sổ tiết kiệm ít nhất từ 100 triệu đồng.
Khi mở đường bay mới mà việc làm visa khó, sẽ ảnh hưởng rất nhiều để duy trì các chuyến bay lâu dài, nhất là trong phát triển tour tuyến. Một doanh nghiệp nêu dẫn chứng, một đoàn đặt cọc 25 chỗ và xin visa cho 25 khách, nhưng thường sát ngày mới có kết quả. Nếu trượt một nửa thì ngân sách tour sẽ bị đội chi phí khá lớn. Ngoài ra, nếu khách trượt visa cũng chỉ được hãng hàng không hỗ trợ một phần tiền, nếu không được trả kết quả sẽ bị phạt 100% tiền vé.
Một thách thức không nhỏ khác là các thủ tục pháp lý đầu tiên khi mở đường bay mới. Vấn đề này khi có sự tham gia của cơ quan Nhà nước sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, như ông Trần Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Restour chia sẻ, phía doanh nghiệp và Hội Lữ hành tỉnh đã từng đề xuất với các hãng hàng không về mở đường bay charter (thuê nguyên chuyến) đi và đến Malaysia, nhưng không dễ vì phải làm các thủ tục xin phép ban đầu khó khăn. Trong khi đó, duy trì đường bay cũ sẽ an toàn hơn trong kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nhà ga T2 của Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài đã được đưa vào khai thác |
Hợp lực từ nhiều phía
Trên thực tế, để đón đầu cho việc tăng công suất của cảng hàng không, UBND tỉnh và ngành du lịch đã triển khai nhiều giải pháp; trong đó, thí điểm mở đường bay mới theo hướng thuê nguyên chuyến. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, lộ trình của Thừa Thiên Huế là mở các chuyến charter, sau đó tiến đến hình thành đường bay thương mại.
Để cụ thể các giải pháp, tăng cường đưa khách đến Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) xúc tiến các đường bay nội địa, quốc tế đi và đến Cảng HKQT Phú Bài. Trước mắt, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam sẽ tăng chuyến đi và đến Huế trong giai đoạn kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh là di sản thế giới. Đối với việc mở đường bay quốc tế mới, Vietnam Airlines cho biết sẽ nghiên cứu giới thiệu, tìm kiếm nguồn khách đến Huế để có thể mở đường bay.
Được biết, thời gian đến, UBND tỉnh tiếp tục làm việc với Hãng hàng không Vietjet Air và Vietravel Airline. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình thông tin, kế hoạch của tỉnh là ưu tiên mở thêm các tuyến bay trong nước nối các điểm du lịch từ Huế đi Nha Trang, Phú Quốc hoặc Vân Đồn (Hạ Long); nghiên cứu theo hướng chia sẻ với đường bay từ Đà Nẵng. Đồng thời, mở đường bay quốc tế kết nối Cố đô 3 nước Đông Dương: Huế - Luang Prabang – Siemrep (Thái Lan); Huế - Hàn Quốc; Huế - Nhật Bản…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết thêm, bên cạnh xúc tiến mở đường bay, một giải pháp mà ngành du lịch Huế và các đối tác hàng không đẩy mạnh triển khai là tăng cường quảng bá điểm đến cho Huế trên hệ thống truyền thông của các hãng hàng không. Cùng với đó, ngành đang trong quá trình làm việc với các hãng lữ hành trong tỉnh và các địa phương để xây dựng phương án xúc tiến nguồn khách đến cho Huế.
Ngành du lịch đang triển khai kế hoạch tổ chức chuyến bay charter đến Hàn Quốc. Ông Đỗ Ngọc Cơ, Chủ tịch Hội Lữ hành cho rằng, tỉnh nên ưu tiên thị trường gần trước, nhất là trong khối ASEAN vì không phải đáp ứng những yêu cầu về visa nghiêm ngặt như nhiều thị trường xa. Thời gian qua, Đà Nẵng mở rất nhiều đường bay mới đến những thị trường khác nhau. Đó là kênh tham khảo để Huế nghiên cứu hình thành lộ trình, xúc tiến mở đường bay phù hợp hơn.