leftcenterrightdel
 Hệ thống máy quét mã QR cũng sẽ được đầu tư nâng cấp

Còn bất cập

Tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đưa hệ thống vé điện tử vào hoạt động. Thời gian đầu, hệ thống này hoạt động ổn định, tuy nhiên, khi Quần thể Di tích Cố đô Huế đón lượng khách kỷ lục nhất từ trước đến nay trong dịp nghỉ lễ 30/4 & 1/5, hệ thống vé điện tử quá tải, nảy sinh bất cập.

Khách đông, mua vé lại trục trặc, nhiều đoàn khách phải xếp hàng chờ. Vào cổng kiểm soát, việc quét mã QR cũng chậm, mất nhiều thời gian chờ đợi khiến du khách mệt mỏi. Quá tải khiến điểm tham quan Đại Nội bị nghẽn, nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi.

Ông Lê Đình Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hướng dẫn viên du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng, bất cập chủ yếu do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế còn thiếu địa điểm bán vé. Vào thời gian cao điểm kỷ lục đón khách, nhưng ở Đại Nội cũng chỉ có 2 quầy vé, gần như không thể đáp ứng được, dẫn đến quá tải.

Hơn nữa, hệ thống mạng không dây cũng bị chập chờn khiến việc mua vé, thanh toán, in hóa đơn, quét mã QR rất chậm. Chưa kể, tờ vé hiện nay khá mỏng, trời mưa hoặc nắng nóng đổ mồ hôi, cầm đều có thể làm hỏng vé, không quét mã được. “Chúng tôi đã đề xuất Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tăng cường thêm quầy vé, tách các kênh bán vé dành cho lữ hành, hướng dẫn viên (HDV) và khách lẻ riêng để giảm tải”, ông Huy nói.

Với các HDV, việc chuyển sang vé điện tử khiến họ gặp một số khó khăn. Hệ thống cũ nếu mua vé mà khách không đi thì có thể để dành cho khách đoàn sau hoặc trả lại vé, còn hệ thống mới vé bị huỷ trong vòng 2 ngày nếu không sử dụng. Một HDV cho biết: “Có những vị khách khi đến trước cổng Ngọ Môn lại đổi ý không vào tham quan nữa và họ yêu cầu được hoàn tiền vé. Trong khi đó, vé điện tử đã xuất không được trả, chỉ có giá trị sử dụng trong 2 ngày. Nhưng làm sao ngày nào HDV cũng có tour đến di tích để sử dụng vé. Nếu may mắn có người mua lại thì chỉ bán được giá 1/2 hoặc 1/3, còn không coi như bỏ”.

Về vấn đề này, ông Huy cho rằng, đây cũng là khó khăn với HDV khi áp dụng vé điện tử: “Có những đoàn khách rất khó chịu, yêu cầu không đi phải được hoàn tiền dù vé đã mua rồi. Hoặc có thể khách không đòi, nhưng trưởng đoàn báo về công ty mua tour và họ muốn lấy lại tiền”.

Ông Huy đề xuất: “Nếu Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng làm được như các tập đoàn Vingroup hoặc Sungroup thì rất thuận tiện cho HDV. Họ cũng bán vé điện tử nhưng có cổng xuất vé riêng cho lữ hành. Đơn vị nào ký hợp đồng sẽ được mở một tài khoản và xuất vé trên tài khoản này. Nếu khách nào không đi, tiền vé sẽ được bảo lưu trên hệ thống và được khấu trừ vào những lần đặt vé tiếp theo”.

HDV trên cũng phản ánh, khi sử dụng thẻ từ, mỗi khách một vé rất tiện, ai muốn vào lúc nào tuỳ ý. Từ khi triển khai hệ thống mới, cả đoàn khách tích hợp lên 1 vé, thuận tiện cho việc quét mã một lần nhưng khó kiểm soát khi đi đoàn đến 20-30 khách. Hơn nữa, quét mã cho nhóm vào trước xong, HDV lại phải đợi nhóm còn sau chưa vào, rất bất tiện. Nếu lấy vé cho từng người lại phải đợi lâu do hệ thống mạng chậm.

Đồng bộ hệ thống

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, việc sử dụng thẻ từ trước đây còn nhiều tồn tại. Việc quản lý tiền thu vé hàng ngày vẫn còn thủ công, độ tin cậy phụ thuộc vào người bán vé, dễ xảy ra nhiều bất cập. Vì vậy, trung tâm triển khai vé điện tử nhằm quản lý tốt hơn, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý. Thông qua bán vé điện tử, việc quản lý công khai, minh bạch, bất cứ lúc nào cũng có thể truy cập, nắm bắt, hạn chế tối đa những tiêu cực.

Lần đầu tiên, hệ thống này đón một lượng khách lớn và gặp sự cố trong thời gian cao điểm 30/4 & 1/5 vừa qua. Mạng bị nghẽn, chậm khiến du khách phải xếp hàng chờ đợi. Hơn nữa, vé tham quan di tích đặc thù với các chính sách dành cho người cao tuổi, trẻ em, người dân địa phương… nên khi đông khách, việc xử lý chậm dẫn đến hiện tượng nghẽn ở thời điểm nhất định.

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nói: “Phải thừa nhận thời điểm đó, trung tâm chưa có kịch bản bài bản khi đón lượng khách lớn. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm. Sau ngày đầu tiên hơi lúng túng, hôm sau trung tâm đã có giải pháp tăng cường phương tiện bán vé, giải quyết nhanh cho du khách vào tham quan bằng nhiều biện pháp khác nhau, quét mã không được thì đóng dấu xác nhận”.

Xảy ra tình trạng trên do hệ thống máy móc chưa đồng bộ, hạ tầng công nghệ cáp quang chưa đáp ứng kịp. Ông Sơn cho biết: “Giai đoạn đầu mới triển khai, hệ thống máy móc, cổng kiểm soát được đầu tư từng bước, có cái nâng cấp tận dụng lại nên công nghệ chưa đồng bộ. Đường truyền mạng yếu nên xảy ra tình trạng lỗi và chậm. Hệ thống thanh toán online được trung tâm kết hợp với Vietcombank, nhưng cổng thanh toán của ngân hàng này không có tính liên ngân hàng nên mất nhiều thời gian của khách. Sau đó, trung tâm có giải pháp ngay, nếu xác nhận trên điện thoại đã chuyển tiền vé thì chấp nhận cho khách vào tham quan”.

Để khắc phục tình trạng trên, việc đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ nâng cấp đồng bộ hạ tầng công nghệ. Hiện nay, trung tâm đã lập dự án đầu tư hệ thống wifi cáp quang đồng bộ cho cả khu di tích. Đây là nền tảng để tạo một hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh, đường truyền ổn định. Đồng thời, tiếp tục đầu tư thêm, đồng bộ hóa hệ thống trang thiết bị máy móc, thay mới những thiết bị cũ tận dụng lại nhưng không hiệu quả. Vào những dịp cao điểm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ chủ động các phương án để tăng cường nhân lực, triển khai thêm nhiều điểm bán vé mới để dàn trải lượng khách. Để thuận tiện cho khách thanh toán online, giảm tải mua vé trực tiếp, trung tâm sẽ liên kết với cổng thanh toán VNPAY để hoàn thiện cổng thanh toán online.

Thời gian cao điểm của du lịch hè đang đến, dự kiến khách sẽ rất đông. Các đơn vị lữ hành bày tỏ mong muốn hệ thống vé điện tử sớm được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nâng cấp đồng bộ để phục vụ du khách tốt hơn. “Tất cả các giải pháp, trung tâm đã nghiên cứu và làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai các bước tiếp theo nhằm hoàn thiện hệ thống vé điện tử”, ông Sơn nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MINH HIỀN