leftcenterrightdel
Trồng dưa lưới theo hướng hữu cơ ở Vinh Hưng (Phú Lộc) 

Trong điều kiện áp lực dịch hại cây trồng ngày càng phức tạp và xu hướng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp chất lượng, an toàn, hiệu quả, việc quản lý, sử dụng hợp lý hóa chất nông nghiệp cần được chú trọng hơn.

Việc sử dụng hóa chất nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất nông nghiệp đang là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. So với cách đây mấy chục năm, lượng thuốc sử dụng hàng năm tăng từ 1,5 đến hơn 2 lần, chủ yếu sử dụng cho lúa.

Theo các kết quả nghiên cứu, tuy lượng thuốc BVTV được sử dụng ở nước ta còn ít, trung bình từ 0,5 - 1 kg/ha/năm và lượng phân bón hóa học được sử dụng còn ở mức thấp, nhưng do sử dụng không đúng kỹ thuật, bón không cân đối và qua quá trình tích lũy lâu dài trong môi trường đất đã gây sức ép đến môi trường nông nghiệp, nông thôn.

Các loại phân vô cơ thuộc nhóm chua sinh lý còn tồn dư axit đã làm chua đất, nghèo kiệt các cation kiềm và xuất hiện nhiều độc tố trong môi trường đất, giảm tính sinh học của đất và năng suất cây trồng. Việc sử dụng phân bón không đảm bảo chất lượng cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đất.

Thời gian qua, một số chương trình, dự án đã tiến hành các cuộc điều tra, khảo sát về vấn đề này ở một số vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và đã có những đánh giá về nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và làm mất đa dạng sinh học.

Qua khảo sát, thuốc BVTV chủ yếu dùng để phun cho cây lúa, rau màu, lạc và chứa khoảng 30 sản phẩm thương mại thuốc BVTV với gần 10 hoạt chất sử dụng nhiều nhất để kiểm soát các đối tượng gây hại như dịch bệnh, sâu rầy, cỏ, chuột.

Dù phần lớn nông dân đã nhận thức về những mối nguy hại của thuốc BVTV đến môi trường, con người, động vật, nông sản, thiên địch, nhưng cũng có một số trường hợp nông dân chưa hiểu được tác động tiêu cực của thuốc mà chỉ quan tâm đến hiệu quả kinh tế.

Theo cán bộ lãnh đạo các HTX nông nghiệp, đã có một thời gian dài người nông dân sử dụng thuốc BVTV theo kinh nghiệm và thường xuyên tăng liều lượng để kiểm soát dịch hại.

Khoảng vài năm gần đây, khi chủ trương phát triển nền nông nghiệp sản xuất sạch, nông nghiệp công nghệ cao nở rộ, việc làm đầu tiên của nhiều HTX là tuyên truyền, vận động người dân bón phân, phun thuốc theo nguyên tắc "4 đúng" và cùng giám sát lẫn nhau trong sản xuất. 

Từ đó, nhiều địa phương bắt đầu tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hàng trăm ha lúa hữu cơ đã hình thành ở các vựa lúa như Phú Lương (Phú Vang), Phong Hiền (Phong Điền), Lộc An (Phú Lộc), Thủy Phù (Hương Thủy)… không chỉ đem lại môi trường trong lành, cải tạo chất đất mà còn đem lại doanh thu cao và sức khỏe cho người nông dân.

Đối nghịch với tác hại của hóa chất nông nghiệp trong sản xuất truyền thống là lợi ích to lớn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Vấn đề là cần áp dụng các giải pháp về chính sách, khoa học công nghệ, kỹ thuật, vốn và hơn hết là sự quyết tâm, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý và người sản xuất để sản xuất nông nghiệp hữu cơ càng được mở rộng và phát triển.

Đơn cử như vụ đông xuân năm 2023 toàn tỉnh đã gieo trồng và đến thời điểm này đã thu hoạch hơn 39 nghìn ha; năng suất ước đạt khoảng 65,2 tạ/ha. Kết quả này cũng nhờ nông dân đã chú trọng sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, gắn với những tiến bộ khoa học....

Bài, ảnh: MINH THƯƠNG