Phần lớn thuyền du lịch được người dân cải hoán từ thuyền đánh cá nên không đủ điều kiện kiểm định để hoạt động |
Làng chài Ngư Mỹ Thạnh lâu nay vốn nổi tiếng với các tour, tuyến như “2 ngày, 1 đêm”, “tour 1 ngày trên phá Tam Giang” với các hoạt động trải nghiệm thú vị. Tham gia tour, du khách được làm nông dân, tham quan làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh, trải nghiệm làng đan lát mây tre Thủy Lập, không gian trưng bày làng chài, homestay, thưởng thức ẩm thực đặc trưng vùng phá Tam Giang. Mỗi năm, làng chài nhỏ bé bên phá Tam Giang này thu hút hàng chục ngàn du khách.
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thí điểm “Mô hình du lịch nông thôn (DLNT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM)” tại thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền), thực hiện từ năm 2023 với tổng kinh phí 20,2 tỷ đồng là một tin vui và là cú hích để phát triển du lịch cộng đồng ở đây. Thế nhưng, bước vào mùa du lịch năm nay, cộng đồng dân cư ở đây và HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang – Quảng Lợi Văn Hữu Sang cho biết, hiện HTX có 12 thuyền chở du khách tham quan trải nghiệm phá Tam Giang. Thế nhưng, vì các thuyền của xã viên đa số là thuyền đánh bắt thủy sản trên đầm phá hoán cải để chở khách nên không có bản vẽ, thiết kế nên không đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm dẫn đến cơ quan chức năng không cho hoạt động chở khách và đình chỉ. Thêm vào đó, dịch vụ trải nghiệm chèo thuyền SUP trên phá Tam Giang cũng không được hoạt động đã gây khó khăn cho việc mở các tour, tuyến trên phá Tam Giang.
Thượng tá Nguyễn Tất Minh, Phó Trưởng Công an huyện Quảng Điền cho biết, theo quy định, một tổ chức muốn hoạt động tàu thuyền hoặc chèo thuyền SUP trên đầm phá cần hội đủ các yếu tố theo Luật Giao thông đường thủy và NĐ 48 của Chính phủ quy định quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước. Cụ thể, đối với tàu thuyền người điều khiển phương tiện phải có chứng chỉ thuyền viên đối với loại phương tiện, số lượng hành khách theo quy định. Thực hiện nghiêm quy định về đăng ký, đăng kiểm đối với các phương tiện theo quy định. Đối với tàu, thuyền có động cơ trên 5CV, chở quá 12 người bắt buộc phải đăng ký, đăng kiểm; trang bị áo phao, phao cứu sinh, ụ nổi cầm tay trên thuyền; bắt buộc du khách phải mặc áo phao, ụ nổi cầm tay đúng quy định.
Đối với thuyền SUP, phải có quyết định của UBND tỉnh cấp phép quyền khai thác sử dụng mặt nước; có giấy phép của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện về tổ chức chèo thuyền SUP trên đầm phá; có đội cứu hộ cứu nạn và nhân viên y tế. “Do tất cả thuyền của HTX Tam Giang – Quảng Lợi chưa hội đủ các điều kiện trên và dịch vụ chèo thuyền SUP cũng chưa được cấp phép hoạt động, nên Công an huyện Quảng Điền đình chỉ hoạt động của 2 loại hình dịch vụ này. Thời gian tới, cơ quan chức năng huyện tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra các phương tiện, tổ chức, cá nhân phục vụ khách du lịch trên phá Tam Giang để chấn chỉnh” - Thượng tá Nguyễn Tất Minh khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Tuấn Anh, huyện rất khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư khai thác và phát huy có hiệu quả những giá trị, tiềm năng về đầm phá; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân ở địa phương.
Thời gian tới, huyện chỉ đạo UBND xã Quảng Lợi phối hợp với Sở Giao thông Vận tải hoàn thiện hồ sơ, thủ tục cấp phép bến thuyền Ngư Mỹ Thạnh. Đồng thời, phối hợp cắm mốc luồng, tuyến hoạt động du lịch trên phá. Phối hợp khảo sát, trình cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác mặt nước để thuyền SUP hoạt động trong vùng được cấp phép. Phối hợp, tham mưu thực hiện nạo vét luồng lạch, cắm mốc hướng, tuyến phục vụ vận chuyển khách du lịch sau khi bến thuyền Ngư Mỹ Thạnh được cấp phép hoạt động.
Về lựa chọn phương tiện vận chuyển khách du lịch trên phá Tam Giang, theo ông Văn Hữu Sang, đầm phá Quảng Điền là vùng nước đặc thù, mực nước cạn, ít sóng nên các loại thuyền nhỏ thích hợp. Theo quy định đóng thuyền cỡ lớn để được kiểm định thì không chạy được trên vùng này được.
“Thực tế hàng chục năm nay người dân vẫn cải hoán thuyền đánh cá để đưa du khách tham quan, trải nghiệm đầm phá và chưa xảy ra một vụ việc đáng tiếc nào. Chứ theo quy định đóng thuyền cỡ lớn để được kiểm định thì ko chạy được trên vùng này được và không phù hợp với thực tiễn. Huyện đã thử đưa một số thuyền cỡ lớn, được đăng kiểm nhưng về không chạy được do mắc cạn” - ông Sang thông tin.