leftcenterrightdel
ThS.BS Phan Lê Hiếu, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế 

BS. Hiếu cho hay: Khoa Cấp cứu từng tiếp nhận một số trường hợp say nắng và sốc nhiệt. Thường gặp nhất là người lao động làm việc trực tiếp dưới nắng hoặc trong môi trường kín, nhà xưởng không có điều hòa…

Mới đây nhất, một thợ phụ làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến 11 giờ trưa; buổi chiều đang làm việc thì chóng mặt, nôn mửa tại chỗ, đưa vào viện với tình tình trạng sốt cao, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, mạch đập nhanh, thở nhanh… biểu hiện đầy đủ triệu chứng của sốc nhiệt. Bệnh nhân sốt 40 độ, người đầy mồ hôi, kích thích, la hét, tay chân co rút… chính là rối loạn đa cơ quan.

Thưa BS, nhóm đối tượng nào có nguy cơ sốc nhiệt nhất?

Phần lớn những người lao động nặng, làm việc ngoài trời nắng nóng trong thời gian dài như: Công nhân cầu đường, xây dựng, ve chai… Hơn nữa, họ ăn mặc đơn giản không có bảo hộ tiêu chuẩn nên nguy cơ sốc nhiệt cao.

Người lớn tuổi thường có biểu hiện bị mệt. Người có bệnh nền tim mạch, tiểu đường, huyết áp… lại càng có nguy cơ cao. Thời tiết nắng nóng, huyết áp bệnh nhân có thể tăng đột ngột bất cứ lúc nào, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng sau say nắng sinh học, có thể xuất huyết não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường thêm sốt cao dẫn tới gây ra một loạt các rối loạn nặng nề…

Những biểu hiện nào cho thấy cơ thể bị sốc nhiệt?

Có hai khái niệm là say nắng và say nóng. Say nóng là do nhiệt độ của cơ thể tăng lên, do môi trường bên ngoài hoặc do lao động gắng sức. Còn say nắng được chẩn đoán là thân nhiệt trên 40 độ và tổn thương đa cơ quan. Say nóng nặng lên sẽ chuyển qua say nắng. Say nắng nặng sẽ chuyển sang sốc nhiệt.

Khi bị sốc nhiệt, bệnh nhân có biểu hiện nhẹ là đau đầu, nặng thì kích thích vật vã, nặng hơn nữa sẽ bị ngất. Da khô, hồng lên, ửng đỏ, tăng tiết mồ hôi ướt đẫm cả người. Về tiêu hóa có thể bị buồn nôn, tiêu chảy. Về hô hấp thì bệnh nhân thở nhanh, tim mạch đập nhanh. Có thể sốt cao.

leftcenterrightdel
Người có bệnh nền tim mạch, huyết áp có nguy cơ sốc nhiệt cao hơn (ảnh minh họa) 

Gặp trường hợp sốc nhiệt, chúng ta nên xử trí như thế nào? Trường hợp nào cần phải đưa đến các cơ sở y tế can thiệp?

Ngay tại hiện trường, đầu tiên nên đưa nạn nhân ra khỏi vị trí bị sốc nhiệt, chuyển đến nơi râm mát. Tiếp đến, cởi bỏ tất cả những quần áo không cần thiết, chỉ giữ lại quần áo mỏng. Điều quan trọng nhất là lau mát bệnh nhân: Có thể dùng bình xịt phun sương, bình nước thông thường, lau mát có nước đá chườm vào nách, bẹn. Nếu bệnh nhân còn tỉnh thì cho uống nước, có nước điện giải càng tốt.

Sau đó nên gọi 115 để người có chuyên môn đánh giá tình hình sức khỏe cụ thể.

Có thể ở hiện trường bệnh nhân tỉnh táo song các chỉ số sinh tồn đôi khi có vấn đề. Đó là chưa nói đến cần phải xét nghiệm để đánh giá tình trạng: Thứ nhất là mất nước, thứ hai là mất thính/ khướu giác. Đặc biệt, có một số tổn thương trong cơ thể như não, tim mạch, phổi, cơ quan thực quản.

Nếu bệnh nhân vẫn còn cảm giác còn tức ngực khó thở, tay chân yếu, đau đầu… nên đưa người này đến cơ sở y tế gần nhất theo dõi, điều trị.

Sốc nhiệt có gây ra các biến chứng hoặc để lại hậu quả về mặt sức khỏe hay không?

Nếu sốc nhiệt không được xử trí kịp thời sẽ dẫn đến tử vong hoặc để lại các hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả như thế nào là tùy thuộc cách xử lý có khắc phục các triệu chứng và vấn đề do sốc nhiệt gây ra. Nếu đưa đến bệnh viện xử lý sớm hậu quả sẽ giảm. Bệnh nhân sốc nhiệt, co giật dẫn tới suy hô hấp, ngừng hô hấp mới đưa đến bệnh viện có thể sẽ bị tử vong/ tổn thương não, suy đa nội tạng do thiếu oxy. Trường hợp bệnh nhân có bệnh nền tim mạch, cao huyết áp… nếu sốc nhiệt, co giật, xuất huyết não, hậu quả sẽ nặng hơn.

Vì vậy, xử lý tại chỗ và đưa đến cơ sở y tế là điều quyết định mức độ hậu quả để lại.

Khoa Cấp cứu đã có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị sốc nhiệt: Cho hạ nhiệt, thở oxy, lau mát, điều chỉnh các chỉ số sinh tồn ổn định, kiểm tra khẩn cấp xuất huyết não, siêu âm phổi và bụng để loại trừ những trường hợp tổn thương các cơ quan. Sau đó mới cho kết quả chính xác là sốc nhiệt do say nắng.

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt như hiện nay, cần thực hiện chế độ sinh hoạt, ăn uống như thế nào để phòng tránh tình trạng sốc nhiệt?

Trong chế độ sinh hoạt hằng ngày, nên phải hạn chế tiếp xúc với ánh nắng nóng trực tiếp. Nếu làm việc ở môi trường nắng nóng, phải có phương tiện bảo hộ hợp lý.

Không nên mặc áo quần tối màu, nên chọn màu sáng, mặc rộng rãi. Đội mũ, che chắn, đeo kính mát, bôi kem chống nắng, uống đủ nước, ăn đủ bữa và bổ sung trái cây. Khi tập thể dục hay vận động nhiều thì cũng nên bổ sung nước trước khi vận động.

Ở lớp người lớn tuổi, không nên vận động quá sức. Điều chỉnh và điều trị bệnh nền tốt nhằm tránh những phát sinh không đáng có khi gặp tiết trời nắng nóng

Xin cảm ơn bác sĩ!

Trong điều kiện nhiệt độ cao, nhiều người thường lạm dụng nước giải khát, bia, rượu quá mức cũng khiến cơ thể mất nhiều nước nhanh chóng: Chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, khô miệng, khát nước. Nước là dung môi cho cơ quan cơ thể hoạt động, mất nước không đủ để cơ thể trao đổi sẽ dẫn đến suy đa nội tạng.

 

LINH TUỆ (Thực hiện)