Quang cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn |
Góp ý về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của dự án luật này, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu, rộng, đa chiều và trước tình trạng người tiêu dùng (NTD) bị xâm hại, thiệt hại gia tăng về quy mô, số lượng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, phi truyền thống hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhận định, dịch vụ và dịch vụ công là đối tượng của NTD, nằm trong phạm vi điều chỉnh của dự luật này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khẳng định. Tuy nhiên, bà Sửu cho rằng, đối tượng này vẫn chưa được rà soát, bổ sung đầy đủ trong các điều, khoản, điểm liên quan trong Luật.
Theo đó, tại Điều 1, trong phạm vi điều chỉnh, kiến nghị bổ sung mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công với công dân, tổ chức. Vì cơ quan Nhà nước không phải là một tổ chức kinh doanh và hoạt động không vì lợi nhuận.
Tại khoản 2, Điều 3 bổ sung giải thích từ ngữ “Cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công” để đảm bảo tính chặt chẽ, thống nhất trong dự thảo luật.
Mặt khác, cụm từ “nhằm mục đích sinh lợi” tại khoản 2, Điều 3, kiến nghị UBTVQH nghiên cứu sửa đổi thành “nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”.
Bà Sửu nêu lý do: “Tại Luật Doanh nghiệp 2020, khoản 21, Điều 4 định nghĩa rõ: “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả công đoạn của quá trình từ đầu tư, sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích tìm kiếm lợi nhuận”. Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong dự thảo luật và giữa các luật khác trong hệ thống pháp luật”.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi NTD dễ bị tổn thương (Điều 8), dự án luật dự kiến NTD dễ bị tổn thương là NTD tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp là điều hoàn toàn phù hợp.
Tuy nhiên, bà Sửu kiến nghị, tại điểm đ, xem xét, nâng quy định thời gian phụ nữ nuôi con từ 12 tháng lên 36 tháng tuổi cho phù hợp, thống nhất với Luật Trẻ em quy định tại Điều 43, khoản 3 và các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến bảo vệ bà mẹ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu phát biểu tại phiên thảo luận sáng 26/5. Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh |
Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với NTD (chương II), tại khoản 2, Điều 23 kiến nghị quy thành các điểm trong khoản. Theo đó, đoạn “Ngôn ngữ sử dụng… ưu tiên áp dụng” là điểm a). Đồng thời bổ sung điểm b) và c) như sau: b) “Trường hợp hợp đồng soạn thảo quá dài thì cần phải có bản tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu để NTD khi đọc, nắm được nội dung cốt yếu trước khi ký kết hợp đồng nhằm hạn chế gây thiệt hại cho NTD”. c) Trong trường hợp hợp đồng mẫu do các tổ chức, cá nhân kinh doanh soạn thảo mà NTD không thể lựa chọn khác thì hợp đồng mẫu đó phải có sự tham gia, đồng ý bằng văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội bảo về quyền lợi NTD trước khi hợp đồng mẫu được ban hành. Có như vậy mới bảo đảm sự minh bạch tính công bằng đối với NTD.
Điều 24, giải thích hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, bà Sửu cho rằng, nội dung chưa sáng, thậm chí mâu thuẫn với một số điểm của Điều 10 và Điều 23 (về hợp đồng giao kết với NTD, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung). Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị bỏ điều này và chuyển nội dung của điều này vào Điều 23, lập thành 1 khoản riêng, có chỉnh lý nội dung.
Tại khoản 1 và 2, Điều 25, bà Sửu kiến nghị thêm quan hệ từ “hoặc” ở giữa hai từ “hạn chế” và “loại trừ” để thể hiện tính chặt chẽ trong bảo vệ NTD; đồng thời giới hạn chỉ rơi vào một trong hai hành vi trên là không được phép để tránh gây thiệt hại cho NTD. Tại khoản 15, thay từ “trách nhiệm” bằng “nghĩa vụ” để tương thích với nội hàm của điều này; điểm d, khoản 3, Điều 39 bổ sung cụm từ “đầy đủ và chính xác” vào trước“kết quả phản hồi, đánh giá” để đảm bảo ràng buộc và công khai khi xử lý các phản ánh, đánh giá của NTD.
Trong hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi NTD tại Điều 50, thì nội dung ở điểm h, khoản 1, bà Sửu nói: “Nội dung này cần được luận giải tường minh nhằm tránh có cách hiểu khách nhau gây khó khăn cho việc áp dụng trong thực tế. Đó là NTD có quyền “Tự mình khởi kiện vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi NTD vì lợi ích công cộng””.
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên thảo luận, đã có 22 lượt ý kiến phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã có phát biểu giải trình, làm rõ vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng để hoàn thiện dự án luật trên một số nội dung như phạm vi, khái niệm điều chỉnh, khái niệm NTD, áp dụng pháp luật, tính thống nhất với các luật khác, các hành vi bị cấm, hoạt động bảo vệ quyền lợi của NTD của các tổ chức xã hội…
Các ý kiến phát biểu của các ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, sẽ được tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc, giải trình kỹ lưỡng để đảm bảo hoàn thiện dự thảo luật đạt chất lượng cao trình Quốc hội xem xét, thông qua.