leftcenterrightdel
 Hồ Ka Tư (Nam Đông) được đầu tư nâng cấp phục vụ sản xuất

Với tình hình nắng nóng kéo dài, gay gắt như hiện nay, vùng miền núi Nam Đông đã xuất hiện khô hạn và nguy cơ thiếu hụt nước bổ sung từ đầu vụ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp vụ hè thu ở các địa phương này.

Dù mới được nâng cấp một số công trình thủy lợi nhưng về cơ bản, trên địa bàn huyện Nam Đông vẫn xuất hiện hiện tượng khô hạn, thiếu nước sản xuất ở một số khu vực đồng ruộng nếu nắng nóng cứ tiếp diễn như hiện nay.

Tại xã Hương Phú, công trình hồ Ka Tư hiện mực nước vẫn khá thấp nên từ nay cho đến khi chính thức bước vào vụ hè thu, nếu nắng nóng kéo dài thì nguồn nước hồ sẽ khô kiệt, không có nước tưới nhiều ha lúa, ngô, lạc vụ hè thu.

Ông Trần Bảo Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Phú cho biết, tuyến kênh trên địa bàn xã khoảng 6km phục vụ tưới tiêu cho khoảng 14ha lúa hè thu. Trong đó, tuyến kênh cấp 1 từ cống lấy nước từ hồ Ka Tư và cấp 2 dẫn về đồng ruộng được đầu tư đã lâu, nay đã xuống cấp, không đáp ứng được sản xuất. Trong điều kiện nếu nắng nóng như hiện nay kéo dài, chắc chắn 14ha lúa hè thu sẽ không triển khai được do không có nước tưới.

“Xã đang xin chủ trương chuyển đổi khoảng 4ha lúa sang trồng các cây trồng khác thích ứng khô hạn và đề xuất bố trí kinh phí khoảng 1 tỷ đồng nâng cấp tuyến kênh cấp 1 dẫn từ cống lấy nước hồ Ka Tư dài khoảng 1km, phục vụ tưới tiêu cho cây trồng những vụ tới”, ông Thắng cho biết thêm.

Theo phương án chống hạn sản xuất vụ hè thu của UBND huyện Nam Đông, diện tích lúa nước dự kiến thiếu nước tưới trong vụ này toàn huyện khoảng khoảng 125ha, trong đó có 73ha khuyến cáo không gieo cấy lúa, tập trung chủ yếu ở các xã Hương Xuân 32ha, Thượng Nhật 16,5ha, Hương Hữu 18,2ha, Thượng Long 20ha…

UBND huyện Nam Đông đã bố trí vốn cho các xã để thực hiện nâng cấp, sửa chữa các đập đầu mối và kênh mương như Ka Zan, Khe Vồn, A Măng, Ba Ba với kinh phí 3,26 tỷ đồng từ nguồn ngân sách huyện và ngân sách Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (đơn vị quản lý khai thác) để thực hiện công tác bơm nước chống hạn với kinh phí khoảng 70 triệu đồng.

Yêu cầu các xã chủ động chuyển đổi những vùng đất có khả năng thiếu nước tưới vụ sản xuất vụ hè thu sang trồng các loại cây trồng ngắn ngày như ngô, đậu các loại… với diện tích chuyển đổi 73ha. Thực hiện các giải pháp điều tiết nước hợp lý các tuyến kênh và chỉ đạo các hộ sản xuất củng cố đắp bờ ruộng để giữ nước trong ruộng, thực hiện lấy nước hợp lý, tiết kiệm từ kênh vào ruộng theo nguyên tắc ưu tiên cấp nước cho vùng diện tích cuối kênh, vùng diện tích cao trước.

Đồng thời, sử dụng các loại máy bơm dầu D15, D8 bơm nước từ các hồ thủy lợi tưới cho cây trồng khi nắng hạn kéo dài làm thiếu nước tưới ở các vùng ở thôn Ka Tư (Hương Phú), Ta Rinh (Thượng Nhật), C9 (Hương Hữu).

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chánh văn phòng UBND huyện Nam Đông cho biết, UBND huyện yêu cầu Phòng NN&PTNT thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trạm thủy nông, UBND các xã thực hiện nạo vét, khơi thông đập đầu mối, tuyến kênh mương để đảm bảo lưu thông nước; đôn đốc, chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi và chỉ đạo thực hiện bơm bổ sung nước tưới cho các vùng khi cần thiết.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thực hiện việc chuyển đổi các vùng ruộng đã dự báo có khả năng thiếu nước sang trồng các cây ngắn ngày; cử cán bộ các xã để chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ nước trong ruộng hợp lý và thực hiện các biện pháp tưới tiên tiến cho cây lúa.

Hiện UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh chủ động phối hợp với các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, xác định cụ thể từng vùng có khả năng thiếu nước để có kế hoạch chống hạn và biện pháp cấp nước hợp lý.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN