Hôm nọ, đưa một người bạn về nhà, lúc chia tay nhau ngang con hẻm nhỏ, người bạn quay đi, cô cũng quay đầu xe và tính rồ ga. Bất giác, cô muốn ngoái lui nhìn bạn ấy và thật bất ngờ: bạn của cô đang cúi xuống lượm những chiếc túi nilon vương vãi bỏ lại gọn gàng vào trong chiếc thùng rác gần đó. Hôm ấy, niềm mến thương dâng ngập suốt lối về của cô, và câu chuyện về những chiếc túi nilon không dừng lại ở đây.
Một lần theo đoàn thiện nguyện lên A Lưới, lần ấy gần ba trăm suất quà gồm nhu yếu phẩm nên mọi người bàn nhau sẽ bỏ mỗi phần vào một túi nilon lớn. Bạn cô đưa ra ý kiến sẽ mua thêm những chiếc túi tự hủy ở siêu thị. Bạn bảo trong khi phát quà sẽ kết hợp tuyên truyền thói quen hạn chế dùng túi nilon, bà con trên đó lại có chiếc túi dùng vào những việc khác, vậy là tiện cả đôi bề. Thật vui thay, hôm đến nhận quà bà con đa phần mang trên vai những chiếc gùi, xách trên tay những món quà bà con vui vẻ kháo nhau: “Từ nay, miềng có thêm cái xách đẹp này để mang đi chợ rồi, đựng được nhiều đồ mà lại gọn nhẹ nữa!”.
Một người bạn khác, kinh tế tương đối khá giả, nhà có hẳn một homestay ngay trung tâm thành phố. Vậy nhưng mỗi lần đi chợ về chị luôn giặt những chiếc túi nilon, phơi phóng cẩn thận. Không những thế chị còn khuyến khích cả đứa con gái đang tuổi đến trường cùng mẹ làm những việc ấy. Xong đâu đấy chị xếp phẳng phiu rồi đem cho những người bán hàng ngoài chợ, những người có thể tận dụng lại những chiếc túi nilon ấy.
Hàng ngày bán hàng, cô phải dùng đến rất nhiều chiếc túi nilon mặc dù giá cả bao bì dạo này luôn tăng, mỗi lần mua túi so với số tiền lãi nhỏ nhoi cô thật sự thấy rất tiếc. Nhưng với nhu cầu tiện dụng cô không thể nào làm khác, mặc dù thỉnh thoảng cô cố gắng tiết kiệm, nhưng khách hàng đa phần tỏ ra không hài lòng dù cô hết lời phân tích: rằng đem nhiều túi về chỉ mất công đổ rác, nào là để bảo vệ môi trường, ...
Nhà cô trồng rất nhiều cây vả, cây chuối. Cô nhớ lúc nhỏ cô vẫn thường trèo hái những ngọn lá vả, ngắt từng ngọn lá chuối, cuộn tròn lại thành từng bó rồi nách ra chợ bán. Khách hàng của cô chủ yếu là những bà bán hàng ngoài chợ. Không quá nhiều tiền, nhưng cũng đủ để thêm vào chi phí để cô học hành. Hồi đó chưa có túi nilon nên người ta bán gì cũng gói vào những miếng lá vả, lá chuối, từ gói xôi, gói bún đến mớ rau miếng thịt. Sáng sáng chỉ cần nhìn các bà, các cô xách giỏ là biết họ đang đi chợ. Những thực phẩm gói bằng lá vả, lá chuối tuy không tiện bằng túi nilon, nhưng chắc chắn chúng sẽ không độc hại và không ảnh hưởng đến môi trường.
Không như ngày nay cuộc sống bộn bề, vội vã, có khi buổi trưa, buổi chiều người ta đi làm về tranh thủ tạt vào và đem về những món hàng đựng trong những chiếc túi nilon. Có lần theo ba lên rẫy vỡ đất trồng sắn, thỉnh thoảng ba cô phải dừng lại để gỡ những chiếc túi nilon mắc vào lưỡi cuốc, những chiếc túi bao năm qua vẫn im lìm nằm dưới lòng đất mà không hề bị phân hủy, rồi ba cho tất cả vào một chiếc sọt. Giờ nhớ lại đôi lúc cô rùng mình nghĩ đến chuyện hàng ngày, hàng giây có bao nhiêu triệu người vẫn có thói quen dùng bao nilon và những tin tức cô đọc hàng ngày về những tác hại từ môi trường do con người gây nên thật khủng khiếp. Khủng khiếp như câu chuyện người ta phát hiện xác một chú cá voi chết dạt vào bờ biển Philippines và thật đau lòng khi trong bụng chú chứa đến 40kg túi nilon các loại. Trước khi chết, chú có dấu hiệu mất nước, đói và nôn ra máu.
Mấy hôm nay cô thực sự rất vui khi có những khách hàng mỗi ngày đến mua hàng nơi cô, họ chỉ nhận duy nhất một chiếc túi nilon và thay vì món hàng đó phải bỏ vào một chiếc túi nilon có quai xách thì có người trực tiếp bỏ vào giỏ xe, có người thì bỏ luôn vào trong chiếc giỏ nhựa mang theo. Những lần ấy cô không chỉ cám ơn vì họ đã mua hàng giúp cô mà còn hơn thế nữa. Thầm mong câu chuyện về những chiếc túi nilon sẽ có một kết thúc đẹp khi mỗi người ý thức hơn trong thói quen thường ngày. Cô hiểu, cô cũng là một hạt nhân góp phần vào thông điệp xanh cho môi sinh quanh mình.