Ban giám khảo xem xét, đánh giá về dự án, sáng kiến cũng như sản phẩm tham gia vòng chung kết cuộc thi |
Sau hơn 3 tháng tranh tài với 3 vòng đánh giá, 9 cá nhân/đội thi đã được lựa chọn vào vòng chung kết. Tại vòng chung kết, các đội thi đã tranh tài và thể hiện năng lực của mình thông qua phần trình bày chi tiết nội dung kế hoạch hoạt động và ngân sách của dự án để triển khai sáng kiến trong khoảng thời gian quy định và phản biện cùng ban giám khảo.
Ban giám khảo đã chấm điểm dựa trên 3 tiêu chí, bao gồm tính phù hợp giữa kế hoạch triển khai và kế hoạch tài chính, năng lực quản lý tài chính dự án và năng lực vận hành của dự án để đảm bảo sáng kiến được triển khai theo đúng kế hoạch. Các dự án xuất sắc nhất, phù hợp nhất với mục tiêu của dự án và định hướng phát triển giảm nhựa của TP. Huế có mức tài trợ kinh phí tối đa để triển khai thực hiện dự án lên đến 500 triệu đồng/1 dự án.
Kết quả cuộc thi, có 4 dự án, sáng kiến đoạt giải được tài trợ, gồm: Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý các vấn đề môi trường Việt Nam, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững (DONASO), Chuyến đi của rơm, Tổ hợp văn hóa - giáo dục - nghệ thuật KODO Hue HUB, Hệ thống giải pháp MGreen. Ngoài ra, Ban tổ chức cuộc thi còn chọn 3 dự án, sáng kiến để tài trợ thêm, gồm: Sản xuất màng phân hủy sinh học từ nguyên liệu thiên nhiên; Mỳ tôm xanh; Thùng rác biết nói - Talking Trash Bin.
Một trong những sản phẩm của sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa đạt giải và sẽ được tài trợ |
Cuộc thi "Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa - Huế 2023" được thiết kế nhằm tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp khởi nghiệp trên toàn quốc thể hiện tài năng, sự sáng tạo, trách nhiệm của công dân xanh trong thời kỳ công nghệ số đang chuyển đổi vô cùng mạnh mẽ, đóng góp cho nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa tại TP. Huế cũng như tiếp tục phát huy các danh hiệu: "Thành phố bền vững môi trường ASEAN", "Thành phố xanh quốc gia" và đô thị Huế "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường".
Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều hoạt động để phấn đấu đến hết năm 2024, TP. Huế sẽ giảm được 30% lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường. Để thực hiện mục tiêu này, cũng như góp phần xây dựng hình ảnh Huế điểm đến di sản xanh-sạch-đẹp, lý tưởng, TP. Huế cần nhiều hành động hơn nữa, bao gồm các sáng kiến, giải pháp quản lý và kỹ thuật nhằm cải thiện hệ thống quản lý chất thải rắn và giảm thiểu rác thải nhựa.