leftcenterrightdel
Nhân viên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế thực hiện các biện pháp nhằm chống quá tải lưới điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Ảnh: Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế 

Cụ thể, phụ lục số 1 ban hành kèm theo dự thảo luật bao gồm 10 loại hàng hóa, dịch vụ, không bao gồm giá điện. Giá điện được quy định tại phụ lục số 2 danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định giá.

Tại nghị trường, một số đại biểu đề nghị nên bổ sung giá điện vào phụ lục số 1 vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Vì đây là hàng hóa, dịch vụ quan trọng liên quan trực tiếp đến đời sống người dân, liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân…

Không phải ngẫu nhiên mà giá điện làm “nóng” nghị trường. Thời gian qua, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sản lượng điện tiêu thụ ở nhiều nơi tăng cao. Lưới điện phân phối đã xảy ra tình trạng quá tải do nhu cầu phụ tải tăng đột biến. Nhiều doanh nghiệp, gia đình khốn đốn bởi lịch cắt điện luân phiên.

Trong khi đó, ngày 31/3/2023, Bộ Công thương công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) tăng 9,27% so với năm 2021. Do không điều chỉnh giá điện nên năm 2022, EVN lỗ trên 26,4 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, để điều chỉnh khung giá điện phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của EVN; bảo toàn vốn Nhà nước tại EVN; bảo đảm khả năng cung cấp đủ điện cho nền kinh tế…, ngày 3/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.

Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.

leftcenterrightdel
Thời gian qua, ngành điện chịu nhiều áp lực. Ảnh: Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế 

Trở lại với kiến nghị của các vị ĐBQH về việc đưa giá điện vào danh mục bình ổn giá, nghĩa là Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, sử dụng các biện pháp để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý.

Dù vậy, trước thực tiễn ngân sách còn hạn hẹp, giải trình về ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc xin chưa tiếp thu. Theo Bộ trưởng, việc đưa giá điện vào diện định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, tức là có lợi cho người dân.

Tại phần trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng nêu rõ, việc định giá, điều chỉnh giá do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá quyết định nên về cơ bản đã bao quát các mục tiêu về ổn định giá cả, tác động đến đời sống người dân, doanh nghiệp cũng như chính phương án kinh doanh của doanh nghiệp điện. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho đưa mặt hàng này ra khỏi danh mục bình ổn giá.

Đến đây, việc bình ổn giá hay Nhà nước định giá có còn quan trọng? Câu chuyện quan trọng trước mắt đó là tìm ra giải pháp khắc phục khó khăn mà ngành điện đang phải đối mặt, đồng thời đảm bảo cung ứng đủ nguồn điện phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh.

Trong sự phát triển của xã hội, bài toán vĩ mô về điện và vấn đề an ninh năng lượng phải được các cơ quan quản lý quan tâm nghiêm túc. Hiện nay, EVN dường như là đơn vị cung cấp điện độc quyền, do vậy giá điện vẫn phải do Nhà nước quyết định.

Để phù hợp với thực tiễn, tăng giá điện là giải pháp hợp lý. Khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm hơn; song, cần tính toán kỹ lưỡng bởi tăng giá điện đồng nghĩa với việc gây áp lực lên lạm phát và làm giảm tăng trưởng kinh tế.

Vê lâu dài, theo nhiều chuyên gia, việc khẩn trương xây dựng chiến lược và lộ trình thực hiện chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của doanh nghiệp bằng cách đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời để tự cung cấp điện cho sản xuất.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dường như đã cởi “nút thắt” trong việc chuyển đổi năng lượng. Theo quy hoạch này, năm 2030 sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, đạt tỷ lệ khoảng 30,9 - 39,2% hướng tới mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo 47%.

Trong phương án phát triển, ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Mục tiêu đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng.

Điện mặt trời không còn xa lạ, xu thế này đã được nhiều doanh nghiệp nắm bắt, song không ít dự án điện mặt trời đang tồn tại trên cả nước, thậm chí tại Thừa Thiên Huế buộc phải dừng hoạt động bởi trái quy hoạch hoặc không hoàn thiện các thủ thục pháp lý.

Thượng tôn pháp luật là tiên quyết, song  đầu tư nhưng không hoạt động sẽ lãng phí. Do vậy, ngoài các chủ trương, văn bản pháp quy thì các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn và các biện pháp tuyên truyền kịp thời để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ. Khi đó, chủ trương chuyển đổi năng lượng mới đi đúng lộ trình, tạo ra giá trị bền vững cho ngành điện chứ không chỉ loanh quanh giữa việc bình ổn giá hay định giá.

Bài, ảnh: LÊ THỌ