leftcenterrightdel
Xưởng mộc của gia đình chị Nguyễn Thị Huế, tổ 3, phường Thủy Lương 

Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đóng vai trò quan trọng đồng hành cùng thanh niên trong học tập, khởi nghiệp, những năm qua, Thị đoàn Hương Thủy nỗ lực, sáng tạo, phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ để làm tốt công tác UTCV, là một trong những chỉ tiêu cơ bản đánh giá công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu niên tại cơ sở. Từ đây, nhiều tấm gương thanh niên SXKD giỏi xuất hiện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm địa phương.

Điển hình phải kể đến chị Nguyễn Thị Huế, tổ 3, phường Thủy Lương. Được tiếp cận nguồn vốn hộ mới thoát nghèo thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Đoàn phường Thủy Lương với số vốn 80 triệu đồng, chị Huế đầu tư máy móc phát triển xưởng mộc, nhận sản xuất một lượng lớn hàng nội thất cho gia đình, nhà hàng với thu nhập ổn định cho mỗi thành viên hơn 10 triệu đồng/tháng.

Chị Huế thông tin, ban đầu chưa vay vốn, gia đình mình chỉ làm theo kiểu ai gọi đâu mình làm đó. Sau này, có vốn, đầu tư được máy móc, mình mới mạnh dạn nhận các đơn hàng. Cuộc sống nhờ đó khấm khá hơn.

Chúng tôi có cơ hội tham quan mô hình trồng nấm rơm của hộ anh Nguyễn Phúc, tổ 2, phường Thủy Lương. Với vốn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm, anh Phúc đã đầu tư phát triển mô hình trồng nấm. Ngoài sự mày mò của bản thân, sự đồng hành của Đoàn phường trong hỗ trợ tiếp cận vốn, tư vấn kỹ thuật, thu nhập từ nghề trồng nấm của gia đình anh duy trì ổn định ở mức 120 triệu đồng/năm.

Bí thư Đoàn phường Thủy Lương - Đoàn Uyên cho biết: Đoàn có 2 tổ TK&VV đều được xếp loại tốt. Để quản lý tổ, hoàn thành các chỉ tiêu được giao, Ban chấp hành Đoàn phường đã chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Thị đoàn, UBND phường và Phòng giao dịch NHCSXH thị xã. Đoàn phường thường xuyên đôn đốc các tổ TK&VV tham gia giao dịch định kỳ hàng tháng đúng thời gian quy định; chỉ đạo các tổ lựa chọn đúng đối tượng vay vốn; kiểm tra trước và sau khi cho vay; theo dõi tình hình sử dụng vốn vay, vận động tổ viên gửi tiết kiệm hàng tháng để có tích lũy trả nợ khi đến hạn.

Đó cũng là giải pháp mà Thị đoàn Hương Thủy xác định để nâng cao chất lượng hoạt động UTCV. Cụ thể, các cơ sở đoàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát theo các nội dung tại văn bản liên tịch và hợp đồng UTCV đã ký giữa ngân hàng và các cấp hội. Việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ TK&VV phải được ưu tiên. Thị đoàn thường xuyên chỉ đạo cấp cơ sở thực hiện nghiêm túc quy trình thành lập, củng cố và duy trì mô hình tổ TK&VV, công tác họp tổ và bình xét hộ vay phải được thực hiện công khai và lựa chọn tổ trưởng có năng lực, nhiệt tình và uy tín.

Tính đến tháng 4/2023, tổng nguồn UTCV qua Thị đoàn Hương Thủy đạt trên 21 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,6% trong tổng dư nợ UTCV toàn thị xã, với 11 tổ TK&VV và 414 hộ vay còn dư nợ, 8/10 đoàn thanh niên xã, phường nhận UTCV từ NHCSXH thị xã. Từ nguồn vốn UTCV này, nhiều bà con nhân dân, ĐVTN trên địa bàn có điều kiện đầu tư phát triển SXKD, sử dụng đồng vốn đúng mục đích.

Thông qua các chương trình TDCS, các cấp cơ sở đoàn thị xã Hương Thủy có sự nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của hoạt động TDCS trong thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Thị đoàn phấn đấu 10/10 đoàn thanh niên xã, phường nhận UTCV từ NHCSXH để nguồn vốn TDCS sẽ được trải rộng hơn đến tất cả ĐVTN trên toàn địa bàn thị xã, góp phần ngăn tín dụng đen và là điểm tựa kích thích hội viên có điều kiện phát triển SXKD, ổn định cuộc sống, ông Nguyễn Quang Đức - Bí thư Thị đoàn Hương Thủy khẳng định.

Bài, ảnh: TÌNH - LOAN