Các họa sĩ không ngừng làm việc và tìm tòi sáng tạo |
Tiếp nối mạch nguồn
Khi còn là thủ phủ xứ Đàng Trong của các chúa Nguyễn và các triều vua nhà Nguyễn sau này, Huế đã huy động, thu hút những tinh hoa từ Bắc chí Nam phục vụ cho triều đình cũng như để phô diễn tài nghệ tại Kinh đô. Những người thợ thủ công về Huế cống hiến trong xây dựng cung đình, miếu mạo cho triều đình và cho cả các nhà quý tộc, các bậc trí giả thượng lưu. Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhận định: “Chính họ góp phần tạo nên nét riêng cho nghệ thuật triều Nguyễn, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật, đánh dấu một bước quan trọng trong phát triển mỹ thuật Việt Nam”.
Từ đó về sau, mỹ thuật Huế ngày càng phát triển với nhiều tên tuổi họa sĩ thành danh, như: Tôn Thất Đào, Mai Trung Thứ, Đinh Cường, Vĩnh Phối, Tôn Thất Văn, Đỗ Kỳ Hoàng, Lê Thành Nhơn, Bửu Chỉ, Hoàng Đăng Nhuận… Theo họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Trường Mỹ thuật Huế đã đào tạo và đóng góp cho Huế cũng như suốt dải đất miền Trung và Tây Nguyên nhiều họa sĩ thành danh. Riêng Huế là nơi hội tụ nhiều tên tuổi, do điều kiện làm việc trong môi trường của giáo dục mỹ thuật, họ sáng tác thuận lợi hơn các tỉnh khác. Các họa sĩ đều thể hiện tài năng qua những tác phẩm để lại cho đời sau.
Đến nay, dòng chảy của mỹ thuật Huế vẫn đang lưu chuyển, thể hiện, tìm kiếm cái độc đáo trong sáng tạo. Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Hội Mỹ thuật tỉnh cho rằng, phát huy giá trị truyền thống, tiếp thu và tìm kiếm cái mới trong sáng tạo là sứ mệnh của người làm nghệ thuật và cũng là yếu tố sống còn của một nền mỹ thuật. Trong giai đoạn hiện nay, mỹ thuật Huế có lực lượng hùng hậu, được đào tạo bài bản, từ những người chuyên nghiệp đến nghiệp dư đều là những người có nghề. Vì vậy, bên cạnh khả năng sáng tác, lực lượng mỹ thuật cũng nâng cao được khả năng lý luận, nghiên cứu khoa học.
Các hoạt động nghiên cứu, sáng tác của nghệ sĩ tạo hình được mở rộng, tiếp cận nhiều thể loại, xu hướng khác nhau, thể hiện sự tương tác giữa mỹ thuật Huế với mỹ thuật cả nước. Điều đó làm cho diện mạo của mỹ thuật đa sắc màu hơn so với trước. Mỗi lĩnh vực đều có những mũi nhọn, những tên tuổi gắn liền với loại hình, có thể kể đến những gương mặt: Nguyễn Đình Dàng, Lê Ngọc Thái, Lê Phan Quốc, Đặng Thị Thu An, Vũ Duy Tâm… Hằng năm, theo đánh giá của các hội đồng nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực, mỹ thuật Huế cũng tạo được dấu ấn bằng những thành tích cụ thể. Đây cũng là một tiêu chí để đánh giá chất lượng tác phẩm của các họa sĩ.
Sự ra đời của Trúc chỉ là một thành tựu của mỹ thuật Huế và đã tạo được tiếng vang bằng phong cách riêng. Trúc chỉ có chỗ đứng không bị hòa lẫn, hòa tan trong dòng chảy của mỹ thuật Huế nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trong xu thế hội nhập, một số tác giả giao lưu được với mỹ thuật nước ngoài, góp phần rất lớn trong việc đưa hình ảnh của mỹ thuật Huế ra với thế giới, như họa sĩ Lê Thừa Tiến, hai anh em họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, họa sĩ Trần Tuấn, họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai…
Sắc diện mới
Sau đại dịch COVID-19, mỹ thuật Huế đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng với triển lãm “Sắc diện mới” vào tháng 6/2022. Không gian triển lãm như tô đậm thêm sức sống và thực lực của lĩnh vực mỹ thuật tạo hình trong đời sống văn hóa nghệ thuật của tỉnh nhà, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Triển lãm quy tụ nhiều tên tuổi kỳ cựu tiêu biểu, bên cạnh các tác giả trẻ nhiều hứa hẹn, tạo nên nhiều sắc thái tạo hình sinh động. Đây được xem là hoạt động điểm nhấn khắc họa rõ nét chân dung mỹ thuật Huế hiện nay.
Họa sĩ Nguyễn Thiện Đức cho hay, sau một thời gian dài gián đoạn hoạt động trưng bày, triển lãm vì dịch nhưng giới mỹ thuật Huế vẫn bền bỉ vượt qua những trở ngại, không ngừng làm việc và tìm tòi sáng tạo. Cũng chính trong giai đoạn khó khăn này, nhiều thể nghiệm khám phá được thể hiện, từ kỹ thuật chất liệu, phong cách tạo hình, ngôn ngữ biểu hiện cho đến tìm kiếm những chủ đề tư tưởng…
Những tác phẩm mới sáng tác là kết quả tìm kiếm sự mới mẻ trong ngôn ngữ tạo hình, mang dấu ấn khai phá vượt qua “cái bóng” của bản thân từng tác giả, cho dù họ là những họa sĩ đã thành danh, là họa sĩ trẻ đang dần khẳng định vị thế của mình hay là những bạn trẻ mới vào nghề. Mỗi tác phẩm là một thế giới biểu hiện, một hình thái của cảm xúc nội tâm về cuộc sống, về đất nước, biểu lộ tình yêu với thiên nhiên, con người hay bộc bạch thân phận, chiêm nghiệm triết lý nhân sinh… “Đa số các tác giả vẫn bám vào mạch của mỹ thuật truyền thống, của các kỹ thuật, phong cách, ngôn ngữ biểu hiện theo lối truyền thống nhưng phát triển ở góc độ cao hơn, chuyên môn sâu hơn”, họa sĩ Nguyễn Thiện Đức nhận xét.
Theo PGS. TS. Phan Thanh Bình, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, tại các triển lãm khu vực, nhìn vào tranh, những người am hiểu dễ dàng nhận ra ngay đó là tranh của họa sĩ Huế, bởi chất Huế hiển hiện trong mỗi tác phẩm, thể hiện qua hình ảnh lăng tẩm, Đại Nội, chùa Linh Mụ, sông Hương, những bức tượng cổ hay thiếu nữ Huế với nón nghiêng…
Đặc biệt, chất Huế và vẻ đẹp của di sản được các nghệ sĩ thể hiện đậm nét, đa dạng, sinh động và mới mẻ theo cảm nhận của từng tác giả nên dù chủ đề không mới vẫn hấp dẫn người xem. Nhiều tác phẩm phát huy tốt chức năng của mỹ thuật là ca ngợi giá trị di sản dưới góc nhìn của người trẻ đương đại.