leftcenterrightdel
 Gánh hàng khoai, sắn được bày bán nhiều ở các chợ. Ảnh: Bảo Phước

Mệ là mạ của một người bạn học cũ. Hơn năm mươi năm nay chỗ ngồi của mệ luôn ở ngay lối đi vào chợ. Cái mẹt tre tròn đặt trên cái thúng của mệ là thức ăn nhẹ theo mùa: khoai, sắn, đậu phụng luộc, môn sáp, củ bình tinh, chuối mật chín nấu, mít chín... Nhưng có hai món luôn hiện diện trong cái thúng tre của mệ suốt bốn mùa, đó là khoai và sắn. Ngày trước, những năm 80-90, đó là những món ăn sáng cho no bụng. Bây giờ, đôi khi khoai, sắn cũng là món ăn sáng và là món ăn chơi để bạn bè cùng nhau vừa uống trà hay cà phê vừa nhâm nhi củ khoai, củ sắn và kể chuyện thời... xưa. 

Tôi đi chợ luôn ghé thăm mệ, vừa mua khoai, sắn, vừa hỏi thăm sức khỏe. Cứ nghe nhắc bạn của con trai mệ là mắt mệ sáng lên mừng rỡ. Hơn năm mươi năm kẽo kẹt đôi quang gánh trên vai, những món ăn dân dã ấy đã giúp mệ nuôi con cái trưởng thành, học đại học và trở thành những người thầy giáo giỏi. 

Tôi đi cũng khá nhiều chợ ở các thành phố lớn, tuyệt nhiên không thấy những người bán khoai, sắn, bắp, đậu nấu chín như ở Huế. Đôi khi thầm nghĩ hay người Huế mình còn nghèo nên thích ăn khoai, ăn sắn? Nhưng tự trong lòng, tôi thấy thương khoai, thương sắn, những món đã trở thành cứu cánh một thời cho cả đất nước những ngày thiếu thốn. Nhớ có lần mệ nói: “Bây giờ cao lương mỹ vị chi cũng có nhưng gánh khoai, sắn của mệ vẫn bán hết hàng ngày, chứng tỏ người Huế mình thương khoai, nhớ sắn, không chê bai món nghèo. Đó là cái tình của người Huế mình đó con, giàu sang cũng không quên những ngày nghèo khó”.

Huế là thành phố có nhiều điều thật đáng yêu, cung đình ngay bên cạnh mà dân gian cũng ngay bên cạnh. Kia là cổng thành uy nghi sơn son thếp vàng, trang trí rồng phượng thì ngôi chợ nhỏ ngay bên đường đối diện cũng có hàng khoai, sắn, đậu nấu chín. Dạo một vòng quanh các chợ lớn ở Huế như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Vỹ Dạ, chợ Cống, chợ Dinh... ở đâu cũng thấy có hàng khoai, sắn bày bán ở đầu chợ. Nên nhiều khi đi chợ, người thành phố nhìn rổ hàng của mấy mệ, ngoài khoai, sắn còn biết được ruộng vườn đang vào mùa gì (theo âm lịch): tháng 4, tháng 5 là mùa bắp trái; tháng 6, tháng 7 là mùa môn sáp vàng; tháng 9,tháng 10 có củ sắn dây; tháng 11,12 có  khoai từ, khoai tía, bình tinh... Ruộng vườn cứ thế mà lên tiếng, sắc màu thiên nhiên cứ thế đi vào mắt nhìn (rồi thành nỗi nhớ lúc nào không hay) và mùi thơm đồng nội cũng thế, cứ theo mùa lan tỏa trong không gian làm phố cũng thơm mùi hương đồng gió nội, làm ruộng vườn gần gũi chốn thị thành.

Mấy sáng nay đạp xe cung đường Văn Thánh, khi dòng Hương như còn ngái ngủ với màn sương trắng mờ trên mặt sông, đã thấy thi thoảng trên đường một vài chị đi xe đạp chở bì bắp trái nấu chín tỏa về bán ở các chợ lớn. Những trái bắp lớp vỏ ngoài màu xanh tươi khi nấu chín chuyển sang màu xanh dưa cải, để lộ phần bên trên những hạt bắp tròn đều tăm tắp, nhìn thấy vừa ngon, vừa lành. Một hôm dừng xe một chị mua bắp trái đầu mùa, nắng chưa lên mà má chị đỏ hồng, có lẽ vì hơi lửa của nồi bắp sớm vẫn còn tỏa ấm trong chị. Lâu nay miền con gái Huế đẹp đi vào ca dao là Kim Long “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi”. Con gái Hương Long, Hương Hồ sát cạnh không nổi tiếng như vậy, nhưng luôn được các bà mạ Huế chọn dâu, đó là những cô thôn nữ duyên dáng, khéo léo và giỏi việc nhà. Chị bán bắp hôm ấy là con gái Hương Hồ với vẻ đẹp chân chất của gái quê, mộc mạc và rất duyên “Dậy từ hai giờ sáng nấu bắp đó em. Má đỏ môi hồng là nhờ hơi lửa đó”. Chị cười vừa ngại ngần vừa vui thích khi tôi khen chị đẹp, mà hôm ấy chị cười bằng mắt, đôi mắt đen, rất sáng, mạnh khỏe, tôi như thấy có cả biền bắp, có cả những cơn gió đồng, cả ánh lửa bếp trong ấy. Hôm ấy tôi thật sự biết một đôi mắt biết cười đẹp như thế nào vì nó vô cùng chân thật. Chợ đò, phố xá nhiều, gặp một đôi mắt biết cười như thế thấy cuộc đời bỗng thênh thang, đầy tin cậy. 

Những ngôi làng xưa thuộc về ngoại ô như Ngọc Anh, Lại Thế, Tây Thượng, Nam Phổ, Hương Hồ, Hương Long... bây giờ đã trở thành thành phố, nhưng những gánh khoai, sắn, bắp trái, đậu mè mà các mệ, các chị bán ở phố là những hương thơm vụ mùa, hương thơm của đất đai và tình người một nắng hai sương trồng tưới. Mùi hương ấy kéo con người "gần gụi" lại với nhau để hiểu, để thương. Và tôi nghĩ, một phần của những gánh hàng khoai, sắn ấy đánh thức trong mỗi người ý nghĩa ai cũng lớn lên từ hạt gạo của ruộng đồng, ai cũng có một làng quê trong tim và quan trọng là ai cũng “lớn lên từ bàn tay mẹ” (thơ Nguyễn Khoa Điềm).

Hương quê trên phố, nghe thơm cả cuộc đời của người và phố.

XUÂN AN