Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. Nguồn: AFP/TTXVN |
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nêu rõ: "Tôi nghĩ thỏa thuận này là tin tốt đối với người dân Mỹ....Thỏa thuận này loại bỏ mối đe dọa vỡ nợ thảm khốc, bảo vệ đà phục hồi kinh tế mà rất khó khăn chúng ta mới có được... Tôi tha thiết kêu gọi lưỡng viện Quốc hội thông qua thỏa thuận này."
Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong 2 năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.
Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD trong hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng 1% chi tiêu an ninh trong tài khóa 2025.
Kết quả đột phá này đạt được sau cuộc đàm phán nước rút trước thềm hạn chót đạt thỏa thuận nâng trần nợ công vào tháng 6 tới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã điều chỉnh dự báo về thời hạn chót để nâng giới hạn nợ liên bang, cho rằng Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 5/6 tới, thay vì ngày 1/6 đưa ra trước đó.
Đảng Cộng hòa hiện kiểm soát Hạ viện với số ghế 222-213, trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện với số ghế 51-49. Khoảng cách mong manh này đồng nghĩa để được thông qua, dự luật trên cần nhận được sự ủng hộ của những nghị sỹ có quan điểm ôn hòa từ cả hai phía.