leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ tư Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ. Ảnh: TTXVN 

Nguyên nhân cả khách quan và chủ quan

Đùn đẩy, né tránh không chỉ ảnh hưởng đến công việc, uy tín cá nhân, mà còn tác động không thuận lợi đến hoạt động bình thường của từng cơ quan, đơn vị. Quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây cản trở và làm giảm hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của chính quyền, giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Tăng trưởng GRDP của TP. Hồ Chí Minh chỉ đạt 0,7% trong quý I/2023 như lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh nêu ra một phần do nguyên nhân đó. Đầu tư công dù đã được cấp đủ vốn, nhưng giải ngân quá chậm bởi vì người ta đổ lỗi khách quan, mà không chủ động xúc tiến làm theo tiến độ. Hay tình trạng thiếu thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ khám, chữa bệnh trong ngành y tế trong thời gian dài là một ví dụ như vậy.

Nguyên nhân khách quan cơ bản là cơ chế, pháp luật còn có những bất cập, chồng chéo, mâu thuẫn; nhất là những luật liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư, đất đai, dịch vụ với người dân… Thực tế cho thấy, do chưa được luật hóa các quy định về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nên đã hình thành tâm lý chờ đợi nghe ngóng dẫn đến những tác động như đã diễn ra. Có những quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động của nhiều ngành còn chung, mâu thuẫn về cách hiểu và áp dụng, nhất là quy định về kinh tế, dân sự dễ có xu hướng “hành chính hóa”, “hình sự hóa” trong thực thi.

Tuy nhiên, nguồn gốc chủ yếu từ chủ quan biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, lo cho hậu quả pháp lý để rồi cán bộ mất dũng khí, ngại thực thi với những quy định thông thường trong khi giải quyết công việc. Cán bộ lãnh đạo, quản lý do không nắm chắc quy định nên sợ sai không dám hành động, thiếu bản lĩnh chuyên môn sinh ra né tránh, đùn đẩy. Từ đó cũng cho thấy, trong đánh giá cán bộ phải giúp người được giao việc, nhất là việc mới, việc khó vững tâm vì nếu có sai sót nhưng không vì tư lợi cá nhân sẽ được nhìn nhận đúng, không sợ bị xử lý.

Lành mạnh hoạt động công vụ

Đảng ta đã ban hành hàng loạt các chỉ thị, quy định, kết luận liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, đảng viên: Quy định “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”, quy định về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, quy định “Những điều đảng viên không được làm”, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”...

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Đây là giải pháp cụ thể khắc phục bước đầu về căn bệnh và tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế.

Trước hết là phải chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, đảng viên, làm cho mỗi người xác định tinh thần, bản lĩnh của người công bộc trước mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Rà soát những bất cập, sửa đổi những quy định của pháp luật theo hướng rõ ràng, minh bạch, cá thể hóa, quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với chức danh công vụ.

Cần đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ có tính răn đe, giáo dục, không để người xấu, người thiếu trách nhiệm lợi dụng kẽ hở để trục lợi, tạo sự yên tâm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ. Sớm thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Khi cán bộ, công chức được đánh giá đúng, sẽ khơi dậy sự chủ động, sáng tạo trong công việc, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước công việc của mình. Đánh giá đúng góp phần khơi dậy ý thức đối với công việc, khắc phục tốt hơn trách nhiệm; đồng thời sẽ ngăn ngừa được tình trạng “tranh công, đổ lỗi”, cải tiến, đổi mới cách làm phù hợp.

Dù ở vị trí nào cũng phải chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng, trách nhiệm theo nghĩa vụ của cán bộ hành chính, cán bộ lãnh đạo, quản lý, thực hiện nghiêm những điều đảng viên không được làm. Mở rộng, đề cao dân chủ trong mọi hoạt động thuộc trách nhiệm và thẩm quyền nhằm kích thích tinh thần dám nghĩ, dám làm và các nhân tố tích cực trong mỗi lĩnh vực. Khen thưởng và kỷ luật kịp thời, đúng mực đối với tập thể, cán bộ khi có đóng góp nhiều thành tích hoặc sai phạm trong thực thi nhiệm vụ. Tránh tình trạng khen thưởng chưa thấy, nhưng lỡ sai thì kỷ luật nhãn tiền, làm thui chột trách nhiệm. Đã đến lúc xóa bỏ ngay tâm lý của lãnh đạo, cán bộ công chức khi bộc lộ mặc cảm: Thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử…

NGUYỄN AN HÒA