“Ban tổ chức bố trí tụi em nghỉ cùng phòng trong 2 ngày tập huấn mà bạn ni lạ lắm" - đồng nghiệp của tôi kể - Em có cảm giác bạn ấy phải bật hết tất cả các ngọn đèn trong phòng lên mới chịu được, dù ánh sáng chói hết cả mắt. Nằm nghỉ một lát mà bạn ấy còn vùng dậy, bật nốt ngọn đèn chiếu tranh treo tường lên rồi mới chính thức “nghỉ ngơi”. Em phải chờ nó ngủ say mới tắt bớt để có thể ngủ. Sáng ra, hỏi vì sao lại phải như vậy, câu trả lời em nhận được là “phòng đã được thanh toán, nên phải dùng hết tất cả những gì mà nó có cho đáng đồng tiền đã trả chứ!”. Thiệt tình là em chịu cách nghĩ này luôn…!

Tôi có thể hiểu điều này khi chia sẻ với đồng nghiệp. Đó cũng là những điều mà bản thân tôi quan sát và thu nhận được kể từ khi gia đình có một dịch vụ lưu trú nho nhỏ. Thực ra, đó là quyền của người sử dụng khi họ chi trả/được chi trả cho điều đó. Tuy nhiên, việc ứng xử như thế nào để đẹp và hay, lại tùy vào thói quen, cách nghĩ, trạng thái và cảm xúc của từng người. Hơn một chút, đó cũng là văn hóa trong tiêu dùng.

Chắc chắn là cái gì vừa đủ, bao giờ cũng là điều tốt, cho mình và cả cái chung nếu đặt nó trong mọi hoàn cảnh. Tôi trở lại vấn đề này vì tiết kiệm điện, đang là vấn đề khá “nóng bỏng” trong những ngày vừa qua, khi mà nhiệt độ ở nhiều nơi đang ở mức từ 35 đến trên cả 40 độ C. Nắng nóng, nền nhiệt cao đã đẩy nhu cầu tiêu thụ điện năng lên cao, nhiều nơi, nhiều địa phương đã phải cắt điện luân phiên để điều phối tiêu thụ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và cả sản xuất nữa.

Khuyến khích người dân giảm 1/2 công suất chiếu sáng quảng cáo và điện chiếu sáng không cần thiết, điện chiếu sáng bật chậm hơn 1h và tắt sớm hơn 1h, cắt giảm 1/3 số đèn thắp sáng trong các ngõ xóm là cách mà Hà Nội đã thực hiện trong những ngày đỉnh điểm của nắng nóng. Và trong khoảng thời gian đó, lượng điện tiết kiệm đã giảm được 36% với kinh phí khoảng 4 tỷ đồng. Trong khi đó, TP. Hồ Chí Minh có một yêu cầu cụ thể về việc khuyến khích người dân hạn chế mặc áo vét để tiết kiệm điện; điều hòa để ở mức 26 độ C và đề nghị mọi người tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. Tương tự Hà Nội, các loại đèn chiếu sáng trang trí ở thành phố đông dân cư này được yêu cầu tắt toàn bộ sau 22h và giảm đèn điện chiếu sáng quảng cáo sau 22h. Theo báo Thanh niên, lượng điện năng tiết kiệm trong khoảng thời gian từ 16/5 đến 30/6 ở TP. Hồ Chí Minh là 10,23 triệu Kw và số tiền tiết kiệm mỗi ngày vào khoảng 2,4 tỷ đồng.

Tôi tin nếu nhìn vào những con số thuyết phục này, nhiều người sẽ nghĩ lại về cách xài điện năng của mình, cả ở nhà hay đến những không gian khác. Điều đó, chắc chắn là một ứng xử văn hóa, thay đổi văn hóa một thói quen và góp phần không nhỏ vào việc giảm nguy cơ quá tải, gây cháy nổ hoặc đơn giản là giảm căng thẳng về lượng điện tiêu thụ, ít nhất là ngay trong mùa hè này.

NGUYỄN BÌNH AN