Tạo việc làm ổn định là giải pháp giúp giảm nghèo hiệu quả và bền vững |
Giải quyết các chiều thiếu hụt
Thực hiện chủ trương giảm nghèo theo địa chỉ, theo nguyên nhân, nguyện vọng và đúng thực chất, không chạy theo thành tích, thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tập trung vào việc điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm một cách cẩn thận, minh bạch. Nhất là chú ý đến phân tích phát hiện nguyên nhân nghèo, cách thức hỗ trợ phù hợp với từng hộ nghèo cụ thể. Trường hợp hộ nghèo gia đình ông Võ Sử ở tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cùng 19 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn sau khi được Ban chỉ đạo (BCĐ) giảm nghèo bền vững thị trấn Phú Lộc khảo sát đã lập danh sách hỗ trợ gà, lợn, cá trắm, bò... để phát triển sinh kế. Cũng qua rà soát nhu cầu việc làm, BCĐ đã phân công người phụ trách lĩnh vực lao động việc làm chủ động tìm kiếm và tiếp cận các nguồn, các công ty tuyển dụng lao động để giới thiệu kịp thời cho những hộ có nhu cầu...
BCĐ giảm nghèo ở các địa phương cấp xã còn điều tra, rà soát và phân công giúp đỡ hộ nghèo các nhu cầu thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đối với từng địa chỉ nghèo cụ thể như: việc làm, bảo hiểm y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tín dụng ưu đãi, người phụ thuộc trong gia đình, học phí, tiền điện...
Theo phân tích của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) dựa trên kết quả điều tra hộ nghèo toàn tỉnh cho thấy, có 7 nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, trong đó 2 nguyên nhân cơ bản có tỷ lệ cao: không có đất sản xuất và không có vốn sản xuất, kinh doanh (SXKD). Cụ thể, trong tổng số hơn 16.000 hộ nghèo, có 5.830 hộ không có đất sản xuất, chiếm tỷ lệ 36,42%; 43,15% hộ không có vốn SXKD; 24,96% hộ không có lao động; 20,09% hộ không có công cụ/phương tiện sản xuất; 19,04% không có kiến thức về sản xuất; 20,53% không có kỹ năng lao động sản xuất; 27,09% hộ có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn và 4,48% do nguyên nhân khác.
Ngoài các nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất, năng lực và trình độ nhận thức, tập quán sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số... còn có các nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo, như: một số văn bản, chính sách mới ban hành nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; nguồn lực của địa phương, của bản thân hộ nghèo tham gia đối ứng cùng với ngân sách hỗ trợ thấp hoặc chưa có; do trong hộ có đông khẩu, bệnh tật, người ngoài độ tuổi lao động; một số dự án, tiểu dự án đã xây dựng mô hình, danh mục nhưng chưa có quy định cụ thể về định mức kinh tế kỹ thuật, mức hỗ trợ nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện...
Quan điểm của ngành LĐTB&XH cũng nêu rõ các nguyên nhân nghèo này cần được tiếp tục phân tích, làm rõ thực trạng, tìm ra nguyên nhân cốt lõi để có giải pháp giảm nghèo theo địa chỉ đến từng hộ nghèo cụ thể. Vì mỗi hộ nghèo có nguyên nhân, hoàn cảnh khác nhau, nên đã đến lúc không nên hỗ trợ cào bằng, "cho" đồng đều mà cần phân biệt và thực hiện hỗ trợ tùy từng nhu cầu, điều kiện thực tế.
Hỗ trợ theo chuỗi mắt xích
Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo và cung cấp tín dụng được coi là biện pháp có hiệu quả kịp thời. Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, đến cuối năm 2022 đã giải quyết cho hơn 19.000 lượt hộ vay vốn, với tổng kinh phí hơn 927,8 tỷ đồng của 3 chương trình cho vay: hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Chương trình tín dụng ưu đãi còn có các chính sách vay vốn khác, như: giải quyết việc làm; cho vay xuất khẩu lao động; cho vay nhà ở xã hội… góp phần giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã có sự thay đổi mạnh mẽ từ suy nghĩ và cách làm của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, dòng họ, cũng như ngay chính các hộ nghèo, cận nghèo. Chủ trương giảm nghèo theo địa chỉ, theo nguyên nhân, nguyện vọng và đúng thực chất đang góp phần giảm dần các hỗ trợ trực tiếp, ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng, nhóm hộ có liên kết theo chuỗi giá trị, các mô hình giảm nghèo hiệu quả.
Đơn cử, kinh phí đề xuất phân bổ 31,75 tỷ đồng thực hiện dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trong năm 2023 của tỉnh cũng hướng đến hỗ trợ phát triển SXKD, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo A Lưới, 7 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Ngoài ra còn dành nguồn hỗ trợ cho hộ gia đình, tổ, nhóm hợp tác, HTX, DN, cá nhân, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ, cơ sở SXKD... xây dựng, nhân rộng, phát triển mô hình, dự án giảm nghèo nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập và chuyển giao khoa học, công nghệ, kỹ thuật, mô hình giảm nghèo cho người nghèo.
Các chính quyền cơ sở cũng đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết hàng năm để giúp đỡ hộ nghèo trong sản xuất nông nghiệp một cách hợp lý từ khâu chọn giống đến khâu lựa chọn các loại cây trồng, phương tiện sản xuất phù hợp với đất đai và chọn các con nuôi để phát triển chăn nuôi phù hợp thế mạnh, điều kiện của địa phương. Đồng thời, quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu theo hướng tập trung, sản xuất hàng hóa như phát triển vùng trồng dược liệu, cây ăn quả, nông nghiệp hữu cơ... để phát triển kinh tế địa phương.