leftcenterrightdel
 Du lịch y tế hiện đang là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Ảnh minh hoạ: Báo Điện tử Chính phủ

Tuy nhiên, hiện vẫn đang tồn tại những thách thức như rào cản ngôn ngữ và thủ tục nhập cư phức tạp.

Theo đó, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đặt mục tiêu thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài đến điều trị y tế hoặc phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc, bằng cách tăng 26% số lượng bệnh nhân nước ngoài đến nước này mỗi năm.

Theo Bộ, số lượng khách du lịch y tế đến Hàn Quốc đã tăng 70,1% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 248.000 người, tăng từ mức 146.000 người ghi nhận trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lắng xuống.

Khi bệnh nhân nước ngoài đến thăm khám và điều trị tại “các cơ sở y tế xuất sắc” do chính phủ công nhận, họ sẽ có thể nộp đơn xin thị thực trực tuyến thay vì đến các cơ quan ngoại giao Hàn Quốc ở nước ngoài. Trong đó, số lượng “cơ sở y tế xuất sắc” sẽ được mở rộng từ 27 cơ sở trong năm 2022 lên 50 cơ sở vào năm 2023.

Phạm vi người chăm sóc và người giám hộ có thể đi cùng bệnh nhân cũng sẽ được tăng lên. Trước đây, phạm vi người chăm sóc đi kèm với bệnh nhân chỉ giới hạn ở vợ/chồng và thành viên trong gia đình trực hệ của họ, nhưng hiện nay nó sẽ được mở rộng ra cả anh, chị, em ruột. Ngoài ra, nghĩa vụ nộp giấy tờ chứng minh năng lực tài chính trong hồ sơ xin thị thực cho người chăm sóc cũng sẽ được bãi bỏ.

Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tạo ra các “cụm du lịch y tế chăm sóc sức khoẻ” trên khắp đất nước để bệnh nhân nước ngoài và những người chăm sóc có thể tận hưởng kỳ nghỉ cùng với việc điều trị y tế. Các cụm du lịch y tế sẽ được xây dựng tại Busan, Incheon và Daegu.

Tại các địa điểm này, các bệnh nhân nước ngoài và người chăm sóc sẽ có thể dễ dàng tiếp cận với đa dạng các loại hình dịch vụ như ngâm, tắm suối nước nóng, mua sắm và tham qua sau khi sử dụng các dịch vụ y tế.

Hiện tại, ghi nhận từ 70% - 80% các lượt khám của bệnh nhân nước ngoài đều là tập trung ở khu vực đô thị Seoul và kế hoạch của Hàn Quốc là giảm bớt “sự thiên vị” này.

Được biết, chính phủ nước này đã và đang coi du lịch y tế là một động lực tăng trưởng trong tương lai. Trong đó, khách du lịch chữa bệnh thường chi tiền gấp khoảng 10 lần so với khách du lịch thông thường. Ngoài ra, thị trường du lịch y tế cũng đang phát triển mạnh. Theo một nghiên cứu gần đây, quy mô thị trường du lịch y tế toàn cầu sẽ đạt mức 346,1 tỷ USD vào năm 2023, tăng cao so với mức 115,6 tỷ USD của năm 2022.

Tuy nhiên, như hiện tại, sức hấp dẫn của du lịch y tế Hàn Quốc vẫn thấp hơn so với các quốc gia khác. Điều này được thể hiện rõ nhất trong Chỉ số Du lịch Y tế 2020 – 2021 do Trung tâm Nghiên cứu Y tế Quốc tế công bố vào tháng 7/2020, trong đó Hàn Quốc xếp thứ 14 trong tổng số 46 điểm đến du lịch y tế.

Trên đây là dữ liệu được thu thập bằng cách thực hiện một cuộc khảo sát quốc gia với 3.030 người Mỹ và đặt câu hỏi về ba vấn đề bao gồm ngành du lịch y tế, sức hấp dẫn của điểm đến và chất lượng dịch vụ y tế. Về kết quả, Canada đứng đầu danh sách, theo sau đó là Singapore, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Dubai, Costa Rica, Israel, Abu Dhabi và Ấn Độ.

Lý do lớn nhất khiến khách du lịch y tế nước ngoài khó chọn Hàn Quốc làm điểm đến là do rào cản ngôn ngữ.

Trước vấn đề này, một quan chức của Viện Phát triển Công nghiệp Y tế Hàn Quốc cho rằng để thu hút thêm nhiều bệnh nhân nước ngoài, Hàn Quốc cần cung cấp nhiều ngôn ngữ khác nhau tại các bệnh viện và phòng khám, đồng thời thiết lập một hệ thống để bệnh nhân nước ngoài có thể đặt lịch hẹn với bác sĩ thông qua trang web của các cơ sở.

Bên cạnh đó, cũng có những lo ngại về việc thúc đẩy du lịch y tế bằng cách nới lỏng thủ tục nhập cư. Vấn đề lưu trú bất hợp pháp với lý do du lịch chữa bệnh là một vấn đề và cũng là nhiệm vụ cần được giải quyết.

“Bộ Y tế và Phúc lợi sẽ tham vấn chặt chẽ với Bộ Tư pháp để giải quyết và xoá bỏ vấn đề lưu trú bất hợp pháp”, một chuyên gia y tế Hàn Quốc nhấn mạnh.

Đan Lê (Lược dịch từ Korea Herald)