leftcenterrightdel
  Nhiều tuyến đường TP. Huế thi công dang dở do năng lực nhà thầu kém

Điển hình năm 2023, BQL DAĐTXDCTGT tỉnh quản lý 17 DA; trong đó có 11 DA đang thực hiện và 6 DA đang chuẩn bị thực hiện. Song câu chuyện xài hết vốn đầu tư được phân bổ là bài toán cực kỳ nan giải. Đơn cử như, DA đường Phong Điền - Điền Lộc năm nay được bố trí hơn 97 tỷ đồng, nhưng đến nay đã gần 5 tháng mới giải ngân được hơn 2,5 tỷ đồng, đạt 2,88%; DA đường tây phá Tam Giang năm 2023 được bố trí vốn gần 6 tỷ đồng, đến thời điểm này mới giải ngân được hơn 1,6 tỷ đồng, đạt hơn 27%...

Không riêng các công trình, DA trong lĩnh vực giao thông mà nhiều lĩnh vực khác hàng năm cũng gặp khó trong việc xài hết vốn đầu tư công. Cái khó ở đây theo lý giải của cơ quan quản lý vẫn là chuyện dự báo, lập, xây dựng kế hoạch vốn chưa sát thực tế và khả năng giải ngân. Việc chuẩn bị DA hạn chế, chất lượng hồ sơ chưa tốt, phải điều chỉnh nhiều lần, thẩm định tư vấn chậm... và vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB)... là điều được nhắc nhiều lần trong các báo cáo giải ngân của ban, ngành liên quan nhiều năm qua. Đáng buồn, trong cái khó nói trên có những DA kéo dài năm này qua năm khác, thậm chí chưa biết khi nào dừng.

Chính quyền, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo giải ngân, kèm theo các giải pháp, chế tài người đứng đầu chịu trách nhiệm, nhưng chưa có năm nào có thể giải ngân hết vốn đầu tư, dù không phải lần đầu tiên các chủ đầu tư thực hiện DA.

Cam kết của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý chỉ là lý thuyết. Không thể không đặt câu hỏi tại cơ chế, chính sách hay năng lực chủ đầu tư, nhà thầu. Chưa có con số chính thức, nhưng ngoài số lượng DA, kế hoạch vốn ngân sách địa phương được quyền kéo dài thì lượng vốn từ ngân sách Trung ương không giải ngân hết lại bị thu hồi, đồng nghĩa "mất vốn".

Có thể thấy ngoài yếu tố bất lợi thời tiết, dịch bệnh, thiếu hụt nguồn nhân lực thì việc giải ngân nhiều hay ít đều phụ thuộc vào các chủ đầu tư và cơ quan quản lý (kế hoạch phân bổ sớm, các ban quản lý chủ đầu tư chuyên nghiệp, GPMB hay quyết định tự điều chuyển, đề xuất cắt giảm để đạt tiến độ giải ngân...). Nhưng tại sao tỷ lệ giải ngân không đạt kế hoạch vẫn chưa được khắc phục.

Không ai mong chuyện quy trách nhiệm cá nhân vì giải ngân thấp, để mất vốn, mà quan trọng hơn là yêu cầu ý thức công bộc, ý thức rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan chức năng liên quan trong việc xử lý vốn đầu tư hiệu quả, để không còn biện bạch các lý do không thể giải ngân, tạo hiệu ứng đầu tư cho việc xây dựng dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Không phải năm nào, hội nghị nào cũng phải đưa ra phân tích, mổ xẻ về chuyện không đạt kế hoạch giải ngân và trình đề nghị xin được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân. Điều này sẽ làm mất lòng tin của người dân về năng lực điều hành kinh tế của chính quyền và cơ quan quản lý.

Trong Luật Đầu tư công sửa đổi, có hiệu lực từ đầu năm 2020 là cơ hội cho tiến trình giải ngân không còn gặp ách tắc. Theo luật này, nguồn vốn đầu tư sẽ được kiểm soát, bố trí sát năng lực thực hiện DA. Những DA chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả sẽ bị loại bỏ. Tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, chất lượng công trình yếu sẽ chấm dứt... Nếu làm được như vậy thì chẳng có lý do gì việc giải ngân vốn "làm khó" DA đầu tư công.

Bài, ảnh: SONG MINH