Tập yoga, thiền là phương pháp kiềm chế bớt sự nóng tính, mất bình tĩnh. Ảnh: V.Xoa |
Những người nóng tính thường thể hiện hành vi của mình với bản thân, người khác, động vật hay những vật dụng trong gia đình.
Trong một số trường hợp, nóng tính là một phản ứng bình thường trước mối đe dọa. Ngoài ra, nó cũng có thể là hành vi bất thường, vô cớ hoặc phản ứng lại những điều không như ý. Nóng tính biểu hiện ra lời nói hoặc thể chất, có thể được lên kế hoạch trước và hướng đến mục tiêu hay bốc đồng, thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp, công khai hoặc bí mật.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những thay đổi cấu trúc hoặc hóa học bất thường của não có thể đóng một vai trò nào đó tạo nên nguyên nhân của sự nóng tính; bên cạnh đó, môi trường và di truyền cũng có liên quan mật thiết.
Trẻ em thường bắt chước các hành vi của người lớn, từ đó dần hình thành thói quen của mình. Trẻ em từng bị bạo hành có xu hướng thể hiện hành vi nóng tính cao hơn so với những trẻ được yêu thương và có những người chăm sóc hòa nhã. Nếu chúng thấy người lớn có biểu hiện nóng tính từ sắc mặt, lời nói, hành động thì chúng cũng dễ bắt chước theo...
Sự nóng tính có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng không có lợi cho bản thân và những người xung quanh, như: Khó khăn trong công việc, trường học, môi trường xã hội và các mối quan hệ; lạm dụng ma túy, rượu bia dẫn tới quá liều, ngộ độc; tăng nguy cơ chấn thương; vi phạm pháp luật và rắc rối pháp lý. Sự nóng giận nhất thời của bản thân có thể gây tổn thương cho người khác bằng bạo lực....
Khi hành vi nóng tính đã xảy ra, bạn hãy hít thở sâu, uống một ly nước mát hoặc đi bộ thư giãn để lấy lại sự bình tĩnh. Tất nhiên điều tốt nhất là chúng ta không nên giận giữ hay nóng tính. Để đạt được điều này bạn có thể thực hiện một số phương pháp dưới đây:
Tập yoga, thiền; tập thói quen suy nghĩ tích cực, nhìn nhận sự việc, hiện tượng và con người theo nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn khác nhau để đưa ra được những nhận định đầy đủ, chính xác hơn; hãy kết bạn với những người hòa nhã; đặt mình vào vị trí của người khác để có thể hiểu, cảm thông và chia sẻ với mọi người; hạn chế xem các phim bạo lực; vận động thể thao đều đặn, thường xuyên; ăn uống các thực phẩm lành mạnh: rau xanh, trái cây; ngủ đủ giấc, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh như màn hình điện thoại, đặc biệt là trước khi ngủ; hãy cố gắng quản lý tốt cảm xúc của mình để cuộc sống trở nên thoải mái và có ý nghĩa hơn; tránh xa rượu bia, ma túy và các chất kích thích có nguy cơ gây mất kiểm soát bản thân; học cách lắng nghe để cải thiện khả năng giao tiếp và tạo sự tin cậy từ mọi người xung quanh; học cách khẳng định bản thân, bộc lộ cảm xúc một cách bình tĩnh và trực tiếp mà không gây cảm giác thù địch hay cảm tính; tham khảo các cuốn sách hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhà trị liệu chuyên nghiệp để học cách sử dụng các kỹ năng quản lý cơn giận.