Tập trung tái cơ cấu đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngành công thương, trong đó tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sử dụng động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về tài nguyên, nguyên liệu, nguồn nhân lực và vị trí địa lý nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của ngành, tạo sự bứt phá và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững ngành công thương trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến 2030. Đó là mục tiêu chung trong kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành công thương Thừa Thiên Huế đến năm 2030 (Kế hoạch 191/KH-UBND), được UBND tỉnh ban hành ngày 24/5 vừa qua.

Trong cơ cấu phát triển kinh tế của Thừa Thiên Huế, ngành công nghiệp - xây dựng đứng vị trí thứ hai, sau du lịch - dịch vụ. Thực tế phát triển những năm qua, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP cũng thể hiện rõ điều này. Năm 2021 ngành chiếm tỷ trọng 33,09%; năm 2022 tăng lên 34,6% trong GRDP của tỉnh. Mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch 191, đến năm 2030, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt khoảng 33-35%. Về cơ bản, tỷ trọng của ngành này không có biến động lớn, làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong công nghiệp chiếm đến 85-90%. Như vậy, chúng ta thấy rất rõ định hướng chiến lược phát triển ngành công nghiệp của tỉnh  theo chiều sâu, hiện đại, gia tăng giá trị kết hợp với phát triển theo chiều rộng.

Trong phát triển công nghiệp của Thừa Thiên Huế, hiện đã hình thành các khu, cụm công nghiệp và một số ngành đã định hình, trở thành ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu của tỉnh, như: Dệt may, chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, thực phẩm… Tuy nhiên, các ngành này vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn cần tháo gỡ để khai thác tiềm năng, thế mạnh và gia tăng giá trị.

Chẳng hạn với ngành dệt may, hiện đa phần các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình CMT (gia công may mặc), thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp; nguyên vật liệu phần lớn phải nhập khẩu, bị động khi thị trường biến động. Vì vậy, các doanh nghiệp cần đầu tư chuyển sang mô hình ODM (từ thiết kế đến gia công) nhằm gia tăng giá trị. Hơn nữa, để thụ hưởng các chính sách ưu đãi xuất, nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, cần đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, giúp các doanh nghiệp chủ động nguyên, phụ liệu, hạ giá thành và đáp ứng truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu.

Hoặc với ngành công nghiệp silicat, Thừa Thiên Huế có tiềm năng rất lớn về nguồn nguyên liệu cát trắng, nhưng hiện nay việc chế biến sâu còn quá hạn chế, gây lãng phí tài nguyên, mang lại giá trị thấp. Đầu tư cho lĩnh vực này cần các nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, khoa học công nghệ để tạo những sản phẩm tinh, gia tăng giá trị và góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp vệ tinh của địa phương.

Với các khu kinh tế, khu công nghiệp, điều gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút các nhà đầu tư thứ cấp là hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, thiếu hệ thống xử lý nước thải. Trong số 6 khu công nghiệp của tỉnh, hiện mới chỉ có Khu công nghiệp Phú Bài được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 6.500m3/ngày đêm. Các khu công nghiệp còn lại mới chỉ trong giai đoạn triển khai hoặc chưa tìm được nhà đầu tư…

Cùng với phát triển chiều sâu, cần tập trung thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra các nguồn lực mới. Đồng thời, củng cố, thúc đẩy mối liên kết giữa các ngành, cụm ngành và các khu kinh tế, khu công nghiệp. Khi đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào cho doanh nghiệp kia, tạo thành một hệ sinh thái sản xuất hiệu quả, sẽ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư mới.

Thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, để đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành công thương theo kế hoạch đề ra còn nhiều việc phải làm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm cao nhất.

HOÀNG MINH