Đổi rác lấy quà, một chương trình ý nghĩa thường triển khai ở TP. Huế |
Với khẩu hiệu “Beat Plastic Pollution” - Đánh bại ô nhiễm rác thải nhựa (RTN), Ngày Môi trường Thế giới năm nay sẽ được hỗ trợ bởi Chính phủ Hà Lan, một trong những quốc gia có hành động đầy tham vọng đối với vòng đời của nhựa. Nước này một bên ký cam kết toàn cầu về nền kinh tế nhựa mới và là thành viên của Hiệp hội đối tác toàn cầu về ô nhiễm nhựa và rác biển. Đây cũng là một thành viên của Liên minh tham vọng cao kêu gọi sự ràng buộc pháp lý quốc tế mạnh mẽ và đầy tham vọng để chống lại ô nhiễm RTN.
Theo một nghiên cứu của Chương trình môi trường LHQ (UNEP), trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm do RTN ngày một trở nên nghiêm trọng, gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái tự nhiên, sức khỏe con người và cảnh quan.
Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm 2023, Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả như: Mitting tuyên truyền hưởng ứng tại xã Phú An, huyện Phú Vang; các đơn vị, ban ngành, địa phương ra quân vệ sinh môi trường tại cộng đồng; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nói không với RTN ở các trung tâm thương mại, chợ truyền thống; thúc đẩy tái tạo, bảo vệ tài nguyên, nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đầm phá, sông hồ…
Một niềm vui với người dân Cố đô Huế khi vào năm 2021, dự án (DA) “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) giúp TP. Huế bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi RTN, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương. Mục tiêu của DA này mong muốn giảm 30% lượng RTN thất thoát ra môi trường tự nhiên vào năm 2024.
Theo đó, từ tháng 6/2022 DA đã đồng hành với TP. Huế triển khai chương trình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn nhằm giảm thiểu lượng rác thải phát sinh, tăng tỷ lệ tái chế, tiết kiệm tài nguyên, góp phần làm cho Huế xanh, sạch, sáng hơn.
Qua gần 1 năm triển khai, hiệu quả lớn nhất của chương trình là ý thức trong việc phân loại CTRSH tại nguồn của người dân đã thay đổi, nhiều hộ dân đã tự phân loại rác ngay tại gia đình, hàng quán trước khi đưa ra bãi tập kết; các cơ quan, tổ chức, trường học vừa tuyên truyền, vừa triển khai thực hiện việc phân loại CTRSH.
Hiện, DA tiếp tục phối hợp tổ chức, đơn vị chức năng địa phương đầu tư cơ sở hạ tầng, trang, thiết bị phương tiện vận chuyển, thùng chứa… để phân loại CTRSH ở các xã, phường chưa thực hiện trong thời gian qua của TP. Huế; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; giúp các tổ chức, cá nhân từng bước hình thành thói quen phân loại CTRSH tại nguồn; tăng cường hiệu quả các giải pháp nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa và quản lý rác thải nhựa…
Sẽ còn nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa của DA triển khai vì một Huế giảm RTN trong thời gian đến. DA đang đồng hành, nỗ lực đóng góp xây dựng Huế không còn RTN trong thiên nhiên.