leftcenterrightdel
 Sinh viên tìm hiểu thông tin tuyển dụng năm 2023

Băn khoăn số liệu

Báo cáo kết quả khảo sát tình hình việc làm của SV Đại học (ĐH) Huế tốt nghiệp năm 2021 (được thực hiện năm 2022) cho thấy, tỷ lệ SV có việc làm trên tổng số tỷ lệ SV phản hồi kết quả khảo sát đạt đến 91,26%, trong đó con số này ở nhiều đơn vị đào tạo ở mức cao. Điển hình, Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế, Trường ĐH Nghệ thuật và Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị là 100%, Trường Du lịch 96,47%, Trường ĐH Kinh tế 95,65%, Trường ĐH Y - Dược là 94,57%. Nhiều trường khác cũng có tỷ lệ SV có việc làm trên tổng số tỷ lệ SV phản hồi kết quả khảo sát dao động ở mức trên 84 - 94%.

Tỷ lệ SV có việc làm cao là con số đáng mừng, cho thấy đầu ra đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp của SV sau tốt nghiệp thấp. Tuy nhiên, con số ở mức cao cũng để lại nhiều nghi ngờ. “Tra cứu thông tin từ hàng loạt trường ĐH trong cả nước, tỷ lệ SV ra trường có việc làm cao ngất ngưởng. Những con số đẹp vừa mang lại niềm hy vọng cho con em và phụ huynh, nhưng cũng không tránh khỏi băn khoăn về số liệu có thực sự khách quan”, anh Trần Hoài An, một phụ huynh ở Huế lo lắng.

Có nhiều số liệu khác nhau về tỷ lệ SV ra trường có việc làm, cũng như thất nghiệp. Song, có thể nhận thấy, con số của các trường đều rất đẹp, trong khi, tình trạng thất nghiệp trên thị trường lao động chưa được cải thiện. Trong một lần đưa ra số liệu về tỷ lệ SV thất nghiệp được công bố tại một hội thảo vào cuối năm 2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê chỉ ra, trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, ĐH trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.

Ngay tại địa phương được xem là “miền đất hứa” của nhiều SV miền Trung sau khi ra trường, khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực trình độ ĐH trở lên là 20,19% tổng nhu cầu nhân lực; nhu cầu nhân lực trình độ nghề lại chiếm đến 65,59% (cao đẳng là 19,55%, trung cấp là 28,64%, sơ cấp là 17,4%). Điều này cho thấy có những mâu thuẫn về con số các trường công bố.

Trò chuyện với nhiều cán bộ ở các đơn vị đào tạo tại Huế, nhiều người cho rằng, có thể tỷ lệ SV ra trường có việc làm tại nhiều trường cao, nhưng các con số đẹp đến mức tỷ lệ thất nghiệp đếm trên đầu ngón tay chưa phản ánh đúng. Nhiều cán bộ cũng trăn trở, kết quả khảo sát chưa thực sự đầy đủ (chỉ dựa trên số SV có phản hồi), một số đơn vị cũng khảo sát chưa thực kỹ và con số công bố vì thế ít nhiều có thể còn khoảng cách so với thực tế. “Để có số liệu chuẩn xác, các đơn vị rất cần tỷ lệ SV phản hồi cao. Song, đáng tiếc là rất khó để nhận được tất cả phản hồi từ SV”, TS. Lê Nam Hải, Phó Trưởng ban Đào tạo và Công tác SV ĐH Huế cho biết.

Cần những công cụ hậu kiểm

Để thống kê số SV có việc làm sau tốt nghiệp, nhiều trường thực hiện chủ yếu khảo sát từ điện thoại trực tiếp, qua email hay các kênh kết nối với cựu SV. Trên thực tế, có nhiều SV chưa mặn mà trả lời các khảo sát, nhất là các SV chưa có việc làm, không làm việc đúng chuyên ngành.

Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ, tỷ lệ SV tốt nghiệp có việc làm là thông tin quan trọng, trở thành thước đo của đơn vị đào tạo và là số liệu tham khảo của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc định hướng, chọn ngành nghề cho con em. Vì thế, nội dung này dù được công khai nhưng cũng thực sự cần khách quan, SV cũng cần phối hợp phản hồi để nhà trường có số liệu chuẩn nhất.

Để các con số công bố thực chất, rất cần khâu hậu kiểm và chuẩn hóa các công cụ khảo sát. Ở tầm vĩ mô, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần xây dựng dữ liệu về thực trạng việc làm SV sau tốt nghiệp. Bộ dữ liệu này có thể bao gồm các chỉ số: Tỷ lệ SV có việc làm trong vòng 12 tháng sau tốt nghiệp, làm đúng chuyên ngành được đào tạo, mức thu nhập bình quân, loại hình tổ chức/công ty đang làm việc, mức độ hài lòng với công việc hiện tại...

Bên cạnh đó, cũng cần sớm thành lập một đơn vị tổ chức khảo sát bộ dữ liệu này. Khi có được bộ dữ liệu chung, công tác hậu kiểm với một đơn vị hậu kiểm độc lập, với các chỉ số được minh bạch rõ ràng (bất cứ ai cũng có thể xem được) sẽ giúp cho SV tham khảo và biết bức tranh “định lượng” về ngành, nghề tương lai mà mình định chọn như thế nào. Mặt khác, bộ dữ liệu này sẽ giúp đơn vị chức năng có căn cứ đưa ra dự báo, phân tích về thực trạng giáo dục, vấn đề việc làm cho các nhà hoạch định chính sách và SV tham khảo để điều chỉnh xu hướng đào tạo.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC