leftcenterrightdel
 Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Ảnh: Bảo Phước

Người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp xúc với những người thực thi công vụ ít tin vào sự trong sáng của người thực thi công vụ đã đành (chúng ta có thể thấy điều này qua các chỉ số thành phần của PCI - năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - được đưa ra hàng năm). Chỉ số tính minh bạch, điểm trung vị chỉ nhỉnh hơn trung bình một ít. Rất ít tỉnh vượt 6 điểm (trên thang điểm 10). Chi phí không chính thức vẫn còn “rơi rớt” ở đâu đó... Người dân và DN không tin tưởng lắm vào nền công vụ tốt thì làm sao cho điểm cao được.

Nhìn ở khía cạnh quản lý, chúng ta thấy những quy định ràng buộc đối với cán bộ, công chức (CC), viên chức (VC) rất nhiều. Nhiều đến độ chúng ta có cảm giác… như là sự “nghi kỵ” - nếu không quy định như thế này, thế kia… thì có người “làm bậy” liền.

Quy định thì nhiều, nhưng rõ ràng nền công vụ vận hành chưa tốt. Mỗi cán bộ, CC,VC được (hoặc bị) ràng buộc không biết bao nhiều quy định. Như phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Mỗi nhóm CC, VC còn có những ràng buộc riêng như đạo đức nghề nghiệp…

Giờ lại thêm sự đòi hỏi “Bộ quy tắc đạo đức công vụ”. Số là Bộ Nội vụ vừa dự thảo bộ quy tắc này.

Với bộ máy vận hành nền công vụ chưa được tốt, như nêu trên, một quy định về các yêu cầu hành xử là cần thiết. Nhưng không ít người tỏ ra ngỡ ngàng đặt câu hỏi: Thế từ trước đến giờ nền công vụ được vận hành theo chuẩn mực đạo đức nào? Bộ máy thực thi công vụ được quản lý ra sao. Thêm một quy định nữa liệu công tác giám sát việc thực thi có được đảm bảo không, hay là quy định thì cứ quy định còn nó được thực hiện tốt hay không lại là một việc khác!? Có lẽ, bộ quy tắc mà Bộ Nội vụ đang xây dựng nên được hiểu là sự mong muốn có được một quy định “khái quát hóa” những quy định đã có trước đây chứ không phải là điều gì mới mẻ.

Đạo đức không phải là cái gì đó trừu tượng, mà nó được biểu hiện ra bằng thái độ và ứng xử. Nhưng cũng chính vì vậy mà có khi nó khó được nhận biết tường tận nếu người ta cố tình che dấu. Nhiều cán bộ cao cấp của chúng ta không phải trưởng thành từ dưới mà lên đó sao. Họ được tổ chức tin tưởng, người dân đề cao. Nhưng “đùng một cái”, như chúng ta thấy, có biết bao nhiêu vụ việc “tày đình” xảy ra trong thời gian qua. Chúng ta không thiếu những quy định mà họ còn dễ dàng vượt qua - vượt một cách tinh vi dưới vỏ bọc tài đức vẹn toàn, huống gì là… thêm một quy định nữa.

Điều quan trọng nhất không phải buộc những người thực thi công vụ phải thế này thế kia, mà chọn lọc cho được một bộ máy thực thi công vụ trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện, phục vụ tốt cho người dân và DN, cho sự phát triển của xã hội. Tức là họ nhận thức được nhiệm vụ gánh vác một trọng trách đối với xã hội. Thế thì lại bắt đầu từ công tác tuyển chọn, đào tạo, giám sát, xử lý. Khâu nào cũng yêu cầu phải làm tốt mới mong bộ máy thực thi công vụ tốt được. Chứ còn bảo họ phải niềm nở, tận tình, chu đáo với dân và DN, ừ thì họ niềm nở đấy, nhưng… vẫn phải chi phí phi chính thức.

Chúng ta mong muốn có một quy định, nhưng có lẽ cũng không nên kỳ vọng lớn lắm về tình hình sẽ thay đổi nhanh chóng.

Nguyên Lê