leftcenterrightdel
 Nông sản phục vụ du lịch tại Chợ phiên Nam Đông

Điểm sáng chợ phiên

Từ cuối tháng 3 đến nay, Chợ phiên Nam Đông bắt đầu được triển khai tạo một “làn gió mới” cho huyện miền núi này vào mỗi dịp cuối tuần. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, hoạt động Chợ phiên Nam Đông đã thu hút được một lượng lớn du khách trong và ngoài huyện ghé thăm mua sắm và vui chơi.

Anh Hồ Quốc Bảo đến từ TP. Huế chia sẻ, biết thông tin tổ chức chợ phiên thông qua mạng xã hội, bản thân quyết định chọn Nam Đông làm nơi “đổi gió” cho cả gia đình. Chỉ cách thành phố khoảng 1 giờ đồng hồ di chuyển, đây là điểm đến mới lạ giúp các cháu nhỏ trải nghiệm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu bán hàng tại chợ phiên Nam Đông được chia thành 4 khu vực, với 36 gian hàng từ 50 cơ sở tham gia, gồm: Khu trưng bày bán sản phẩm OCOP; khu vực bán hàng ẩm thực của đồng bào các dân tộc; khu bán sản phẩm nông, đặc sản của các địa phương; khu bán hàng giải khát, đồ ăn vặt…

leftcenterrightdel
Gian hàng thổ cẩm ở Chợ phiên Nam Đông đa dạng sản phẩm 

Qua các phiên chợ, phần lớn các gian hàng ẩm thực, hàng giải khát, đồ ăn vặt sản lượng tiêu thụ khá lớn, hàng hết sớm, một số quầy không đủ hàng phục vụ nhu cầu du khách và người dân. Khu trưng bày bán sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm công nghiệp nông thôn, hàng lưu niệm, quà tặng và nông sản, thực phẩm chế biến đóng gói sản lượng bán ra ít hơn. Khu bán sản phẩm nông, đặc sản của các địa phương, lượng sản phẩm bày bán và tiêu thụ có giảm và dần ổn định qua các phiên (do thời gian tổ chức hàng tuần nên sản lượng nông sản không kịp phục vụ).

Ngoài các hoạt động phục vụ mua bán, quảng bá sản phẩm, Chợ phiên Nam Đông còn tổ chức giao lưu, biểu diễn văn hóa, văn nghệ, tạo không khí tươi vui cho điểm đến, tăng sức thu hút du khách. Đây cũng là dịp tốt để quảng bá, giới thiệu hình ảnh về quê hương, con người, văn hóa truyền thống các dân tộc anh em trên địa bàn huyện.

Nhờ những nỗ lực trong khâu tổ chức và quảng bá, mô hình Chợ phiên Nam Đông bước đầu đã đạt được những hiệu quả tích cực, tạo được điểm nhấn cho sản phẩm du lịch huyện nhà với tổng số lượt khách khoảng 1.900 người/đợt trong 5 phiên chợ đầu tiên. Cộng hưởng hiệu ứng từ chợ phiên, trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 toàn huyện ghi nhận gần 5.900 lượt khách tham quan (1.391 khách lưu trú) với tổng doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng khách tăng 178% và doanh thu tăng 186,04%.

Chuyên nghiệp hóa sản phẩm du lịch

Với đặc trưng có đông đảo đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, việc phát triển du lịch cộng đồng để khai thác tiềm năng sẵn có kết hợp tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân được xem là “kim chỉ nam” cho huyện miền núi này.

leftcenterrightdel
Biểu đồ: Hương Trà 

Tuy đã xác định được phương hướng, nhưng trên thực tế việc phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Đông vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại điểm du lịch sinh thái cộng đồng thôn Dỗi (xã Thượng Lộ), tuy đã cho ra đời những tour, tuyến mang bản sắc riêng nhưng hoạt động cũng chỉ mang tính mùa vụ, dịch vụ và hệ thống hạ tầng lưu trú chưa đủ hấp dẫn để giữ chân khách dài ngày. Với điểm du lịch YesHue Eco (Thác Mơ), sau thời gian dài bị ảnh hưởng do dịch bệnh đến nay bước đầu đã phục hồi, ghi nhận một lượng lớn du khách đến tham quan và trải nghiệm vào mùa nắng nóng.

Chị Đinh Thu Hà, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đánh giá, du lịch cộng đồng tại Nam Đông hoàn toàn có tiềm năng để khai thác hiệu quả hơn. Điều mà du khách cần chính là sự chuyên nghiệp và chỉn chu để cho ra mắt những sản phẩm du lịch chuyên nghiệp hơn.

Đầu năm 2023, nhằm góp phần giải quyết thực trạng trên, UBND huyện Nam Đông đã phối hợp với Dự án “Quản lý Rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam” tổ chức đợt tập huấn, hỗ trợ người dân thôn Dỗi làm du lịch. Đây là lần đầu tiên cả thôn được hướng dẫn để cùng bắt tay nhau làm du lịch, thay vì chỉ riêng lẻ một vài hộ như trước đây. Bà con ai nấy đều hào hứng chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan và lắp hệ thống điện đường chiếu sáng để sẵn sàng phục vụ du khách.

Anh Hồ Văn Thân, người dân sống tại đây chia sẻ, hy vọng sau khi được chính quyền địa phương và dự án hỗ trợ, hướng dẫn theo hướng cầm tay chỉ việc, du lịch tại thôn Dỗi sẽ có nhiều khởi sắc hơn.

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Nam Đông đã nhiều lần phối hợp với Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh, Hiệp hội Du lịch và Hội Lữ hành TP. Đà Nẵng tổ chức chương trình khảo sát sản phẩm du lịch tại huyện Nam Đông.

Đây là hoạt động nhằm truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch hiện có tại Nam Đông để kích cầu du lịch; đánh giá thực trạng, chất lượng sản phẩm; định hình lại tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại huyện Nam Đông; đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

Theo thông tin từ UBND huyện Nam Đông, trong năm 2022, toàn huyện đón 16.750 lượt khách tham quan (5.147 lượt khách lưu trú) với doanh số ước đạt 4.060 triệu đồng (tăng 15.053 lượt khách và 3.478 triệu đồng so với năm 2021). Các hoạt động thương mại, dịch vụ nhà hàng, nhà nghỉ và hoạt động du lịch sinh thái trên địa bàn duy trì ổn định, mô hình homestay bước đầu có sự phát triển, các điểm du lịch thường xuyên thu hút khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan hơn.

Thời gian tới, toàn huyện tập trung nâng cao chất lượng phục vụ khách và mở rộng hoạt động các loại hình du lịch, dịch vụ; khai thác tốt các điểm du lịch sinh thái kết hợp với suối, thác trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch; liên kết với các đơn vị để tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng, trại sáng tác…

Bài, ảnh: Minh Nguyên