Cần tập trung nỗ lực để cải thiện khả năng phục hồi y tế của ASEAN. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN/Vietnam+ |
PPP đóng vai trò quan trọng
Việc biến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành một trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) chăm sóc sức khỏe toàn cầu sẽ đòi hỏi phải sử dụng nhiều hơn mối quan hệ đối tác công – tư (PPP) để giải phóng đầu tư vào các cơ sở y tế và mở khóa khả năng tiếp cận các công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết sự bất bình đẳng về y tế khu vực.
Lợi tức đầu tư tiềm năng là rất lớn. Tiềm năng R&D mạnh mẽ của ASEAN là dựa trên dân số đông đảo và đa dạng, nền kinh tế đang phát triển và năng lực khoa học được cải thiện nhanh chóng.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mặc dù là nơi sinh sống của khoảng 26% dân số thế giới, nhưng ghi nhận vào năm 2021, Đông Nam Á chỉ là nơi thực hiện 16% các thử nghiệm lâm sàng toàn cầu.
ASEAN thường bị bỏ qua do nhận thức về khả năng R&D thấp hơn và do các mạng lưới khoa học và pháp lý bị phân mảnh trong khu vực. Chính phủ của các nước trong khu vực đã và đang nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe và thúc đẩy bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (UHC), nhưng nhìn chung vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Theo ghi nhận từ dữ liệu, số ca mắc và tử vong của các loại bệnh không lây nhiễm đang ngày càng gia tăng ở ASEAN, khu vực vốn đã và đang phải chịu gánh nặng nghiêm trọng và dai dẳng từ các bệnh truyền nhiễm nhiệt đới.
Xét về trung bình, tài chính y tế ở Đông Nam Á vẫn ở dưới mức của các quốc gia BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, chưa nói đến các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Bên cạnh đó, các thành viên của ASEAN hiện cũng đang phải chiến đấu với các căn bệnh “thế giới giàu có” như ung thư và tiểu đường, trong khi vẫn đang nỗ lực quản lý các tai họa nhiệt đới như sốt xuất huyết và sốt rét, với ít nguồn lực hơn.
Đầu tư nhiều hơn để cải thiện khả năng phục hồi y tế của khu vực
Với tình hình hiện tại, ASEAN đã có thể rút ra những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về cách PPP có thể cải thiện đáng kể hoạt động R&D trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đơn cử, Clinical Research Malaysia thuộc sở hữu của chính phủ, hỗ trợ các mạng lưới nghiên cứu lâm sàng, đã tạo ra một cơ chế để thúc đẩy quan hệ đối tác thành công với khu vực tư nhân nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong nước. Điều này đã giúp Malaysia cải thiện đáng kể khả năng và tăng số lượng thử nghiệm được tiến hành hàng năm trong nước.
Theo nhận định của các chuyên gia, ước tính sẽ cần khoảng 3 tỷ USD để củng cố các cơ quan quản lý trong khu vực nhằm tiếp nhận nhiều thử nghiệm lâm sàng và cơ hội hơn. Con số này tương đương với dưới 1% chi tiêu y tế công cộng hiện tại của khu vực.
Các quy định minh bạch và có mục tiêu rõ ràng trong toàn khu vực ASEAN không chỉ có thể thúc đẩy đầu tư, mà còn đảm bảo rằng các cơ sở tư nhân sẽ cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao và tôn trọng các nguyên tắc tiếp cận.
Bên cạnh đó, khả năng phục hồi sức khỏe mạnh mẽ hơn cũng sẽ phụ thuộc vào việc mở rộng năng lực sản xuất trong khu vực ASEAN.
Người Đông Nam Á được nhận định và tin tưởng sẽ là “người chiến thắng thực sự” từ điều này. Khu vực công của ASEAN hiện đang thiếu các nguồn lực để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở khu vực nông thôn và khu vực kém phát triển.
Vì vậy, áp dụng Telemedicine (dịch vụ y tế từ xa) sẽ cho phép các chuyên gia cung cấp hỗ trợ cho các phòng khám chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là tiếp cận từ xa những cơ sở ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư vào y tế từ xa trong ASEAN, cần có các hướng dẫn để vừa khuyến khích khu vực tư nhân, vừa xây dựng các biện pháp bảo vệ phù hợp cho bệnh nhân và người chăm sóc.
Thông qua hợp tác với các công ty tư nhân, ASEAN có thể thu hút đầu tư quan trọng, cũng như lĩnh hội thêm kiến thức và đổi mới cho ngành chăm sóc sức khỏe. Điều này có thể cải thiện chất lượng dịch vụ cho người dân trong khu vực. Thông qua các cơ chế tài trợ khác nhau, chẳng hạn như đầu tư tác động, trái phiếu xã hội và tài chính hỗn hợp, các mối quan hệ đối tác này có thể được thiết kế để ưu tiên đáp ứng nhu cầu của những nhóm dân cư chưa được phục vụ và đảm bảo rằng, mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ y tế với giá cả phải chăng.
Để tự bảo vệ mình khỏi các đại dịch trong tương lai, đồng thời chống lại gánh nặng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm, ASEAN phải đảm bảo rằng, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của mình luôn đổi mới, dễ tiếp cận và bền vững. Chỉ bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân, ASEAN mới có thể xây dựng khả năng phục hồi sức khỏe thực sự.