leftcenterrightdel
Diều đến từ đất nước Thái Lan  

Lễ hội gồm nhiều chương trình, hoạt động phong phú như trưng bày diều, trải nghiệm làm diều tại công viên Tứ Tượng, trình diễn nghệ thuật thả diều tại quảng trường Ngọ Môn và bãi biển Thuận An với sự tham gia của các câu lạc bộ diều trong nước và quốc tế: CLB Nhà hàng Cánh Diều Vàng (Nam Định), CLB diều nghệ thuật Phượng Hoàng, CLB diều Hướng Dương (TP. Hồ Chí Minh), nhóm nghệ nhân diều Huế và đặc biệt là sự góp mặt của các nghệ nhân đến từ 3 nước ASEAN là Malaysia, Singapore và Thái Lan, hứa hẹn đem đến cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị.

Ở Thái Lan, thả diều được xem như một bộ môn thể thao và là di sản văn hóa của đất nước này. Từ xưa, người Thái đã biết sử dụng diều để làm phương tiện chuyên chở hàng hoá giữa các thành phố; đến thời các vị vua Sukhothai, thả diều được ưa chuộng đến nỗi nó trở thành một phần trong văn học Thái và đến năm 1358, nhà vua phải ban hành lệnh cấm thả diều gần cung điện vì dân chúng quá say mê.

Một điểm độc đáo trong văn hóa diều xứ sở chùa vàng là các cuộc “đấu diều” trên không. Diều Thái được chia làm hai chủng loại, đực (Chula) và cái (Pakpao); diều “Chula” dài 8,5 feet, mạnh mẽ, chắc chắn với ba bộ răng tre; diều “Pakpao” mảnh mai và thanh thoát, chỉ dài 35 inch với vũ khí là chiếc đuôi dài có khả năng siết chặt đối thủ. Các con diều đực sẽ cạnh tranh để bắt được nhiều “Pakpao” nhất vào lãnh thổ của mình; trong khi các con diều cái sẽ cố gắng đánh bại càng nhiều “Chula” càng tốt.

leftcenterrightdel
Diều Singapore tham gia Lễ hội Diều Quốc tế tại Huế

Đại diện Thái Lan tham dự Lễ hội diều quốc tế lần này là Skyline Kite Team, CLBvới 20 thành viên hoạt động, có kinh nghiệm sử dụng nhiều thể loại diều như diều dây đơn, diều dây đôi, diều dây bốn, diều thả trong nhà (zero wind), và sở trường là diều thể thao. Những người sáng lập ra Skyline Kite vốn là thành viên của CLB diều đầu tiên của Thái Lan- Sanook Sky.

Tại Malaysia, thú chơi diều cũng rất được ưa chuộng, phổ biến tại các vùng nông thôn phía tây bắc của Kedah, Perlis; Kelantan và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Diều truyền thống của Malaysia là Wau Kucing, Wau Jala Budi và nổi tiếng nhất là Wau Bulan (diều mặt trăng) có xuất xứ từ bang Kelantan; diều làm bằng giấy với khung tre, được trang trí bằng các họa tiết hoa, lá rực rỡ, có giá lên đến 400-500 ringgit (khoảng 2,7 triệu đồng tiền Việt Nam) và phải mất hai tuần đến ba tháng để hoàn thiện. Wau Bulan là biểu tượng văn hóa của đất nước, được sử dụng làm logo của Hãng Hàng không Malaysia Airlines. Hè 2023 này, Hiệp hội Diều Quốc tế Majlis Pelayang Malaysia (MPM) sẽ đem đến Huế những chiếc Wau Bulan xinh đẹp và đầy màu sắc.

Tại đảo quốc sư tử, phong trào chơi diều cũng diễn ra rất sôi nổi và đầy hứng khởi với Hiệp hội thả diều Singapore SKA (Singapore Kite Association) được thành lập từ năm 1982. Ở quốc gia này, bạn có nhiều sự lựa chọn địa điểm để thả diều như Marina Barrage (bến du thuyền), đảo St John/Lazarus, công viên Punggol Waterway, công viên East Coast, công viên Bishan-Ang Mo Kio, công viên West Coast…

Đại diện Singapore tham sự Lễ hội diều quốc tế lần này là nữ nghệ nhân Gadis Widiyati Riyadi. Cô có hơn 30 năm tuổi nghề, từng tổ chức nhiều trại sáng tạo và tham gia Lễ hội diều Quốc tế ở các nước từ châu Á, châu Âu đến châu Phi. Bên cạnh đó, cô còn cộng tác với SKA tổ chức Festival Diều Quốc tế tại Singapore và hỗ trợ tổ chức Festival diều Quốc tế tại các nước Đông Nam Á cũng như Qatar, Abu Dhabi. Widiyati còn thực hiện các buổi hội thảo chia sẻ về nghệ thuật chơi diều ở các trường đại học tại quê nhà.

Thục Đan