leftcenterrightdel
 Anh Hồ Văn Phúc kiểm tra các lồng cá nuôi

Hồ Văn Phúc (SN 1988) là Trưởng thôn A Đâng, xã Hồng Thái. Năm 2018, anh bắt đầu nuôi hai lồng cá thí điểm sau khi học hỏi kinh nghiệm từ một người quen. Đến nay, số lồng cá anh đang sở hữu là 12 lồng. Trong đó, cá rô chiếm nhiều nhất – 7.000 con, hơn 1.200 cá trắm; ngoài ra còn có cá lóc, rô phi, cá trê…

Thăm “cơ ngơi” của trưởng thôn A Đâng ở lòng hồ thủy điện A Sáp, tôi không khỏi ngạc nhiên bởi sự đầu tư khá bài bản của anh. Ngược dòng ký ức lúc bước chân vào nghề nuôi cá lồng, anh kể: “Thời điểm đó chưa có nhiều vốn và kỹ năng, mình nuôi theo kiểu thử nghiệm, theo dõi tập tính, thức ăn của cá và ghi chép đầu đủ. Sau khi bán lứa cá đầu tiên, toàn bộ tiền được đầu tư trở lại mua sắt, làm lồng kiên cố để tăng số lượng cá nuôi. Tính kế làm ăn lâu dài, mỗi lồng mình đầu tư chi phí gần 13 triệu đồng nên đến nay qua 5 năm nhưng chưa có tình trạng hư hỏng”.

Ngoài thức ăn công nghiệp phụ trợ, anh dùng cá nhỏ vùng sông suối và cỏ làm thức ăn chính. Nhìn 12 lồng cá chắc chắn giữa lòng hồ, ai cũng trầm trồ song ít người biết để xoay nguồn thức ăn chăn nuôi, anh Phúc mất khá nhiều công sức. Ngoài tự mình cắt cỏ tự nhiên, ông chủ 12 lồng cá còn trồng hơn 1ha cỏ làm thức ăn. Một lần trồng có thể khai thác 4-5 năm.

Hiện các lồng cá trắm trọng lượng từ 1,5-3kg đã có mối đặt mua toàn bộ. Ngoài ra còn một lồng khác đang có 600 con cá trắm nhỏ hơn. Cá trắm ở đây bán giá cao, sức mua ổn định nhất bởi theo phong tục tập quán cưới hỏi địa phương, nhà gái phải mời nhà trai ăn cá - gà - xôi khi đãi tiệc. Nếu thuận lợi, tết này, mấy lồng cá trắm mang lại thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Bởi thông thường mọi năm, mùa tết và mùa cưới, hầu như anh Phúc không còn cá trắm loại trọng lượng lớn để bán.

Vụ thu hoạch cá lồng đại trà của anh Phúc rơi vào mùa tết là chủ yếu. Đến hẹn, thương lái, khách hàng đến mua cá tấp nập. Hiện, hàng ngày vợ chồng anh bán lẻ cá rô phi trên facebook hoặc theo nhu cầu của khách và giao hàng tận nơi. Với 2 lồng cá trê, cứ 3 tháng gối đầu, gia đình anh thu hoạch, nuôi lại lứa mới nhằm tránh rủi ro và quay vòng đồng vốn nhanh. Với mức giá từ 50.000 – 90.000 đồng/kg tùy loại cá, anh nhận đặt hàng đặt hàng từ các xã A Roàng, Hương Lâm, A Ngo, thị trấn… Cứ điện thoại liên hệ báo giá, đồng ý là khách có thể tới tận hồ bắt, không còn phụ thuộc và bị thương lái ép giá.

Từ năm 2018 đến nay, nhờ nghề nuôi cá lồng, anh Phúc đã mua sắm phương tiện đi lại, vật dụng phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Bình quân mỗi năm, lợi nhuận mang lại từ nuôi cá lồng khoảng 150-200 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Hiện, khu vực lòng hồ thủy điện A Sáp có vài hộ tham gia nuôi cá từ chia sẻ kinh nghiệm của anh Phúc. Để có mô hình thành công như hôm nay, anh Phúc làm việc liên tục, theo dõi chất lượng nguồn nước, tình hình phát triển của cá. Là một trưởng thôn, phải lo “việc làng, việc nước” trước tiên nên anh phải cân đối thời gian cho nghề nuôi cá. Nhất là mùa mưa lũ, phải tiên lượng mực nước, có kế hoạch kéo lồng vào khu vực an toàn để bảo vệ. “Trước đây mình nuôi bò song tính toán lại thì nuôi cá phù hợp điều kiện, thời gian, tận dụng được diện tích mặt nước. Ngoài 12 hồ này, sang năm thu nhập khá mình làm thêm vài lồng cá chạch, cá lấu là loại cá có giá trị cao trên thị trường”, anh trưởng thôn mê cá thổ lộ về kế hoạch tương lai.

Theo lãnh đạo xã Hồng Thái, anh Phúc là một trong số ít người kiên trì và thành công với mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thủy điện A Sáp. Địa phương đang phối hợp với các ban ngành liên quan xem xét, rà soát để nhân rộng mô hình này.

Bài, ảnh: L.TUỆ