Khung cảnh yên bình ở làng La Chữ. Ảnh: ANH PHƯỚC |
Có 2 người làm việc cùng với tôi là người sống ở nông thôn. Một hôm ngồi chuyện trò vui tươi, tôi đưa ra hai câu hỏi: Ở nông thôn sướng nhất là cái gì và khổ nhất là cái gì. Hai người thống nhất câu trả lời: Sướng nhất là không khí (có lẽ họ muốn nói đến môi trường - không khí trong lành) và khổ nhất là “lễ nghĩa”. Ngẫm lại, câu trả lời ấy không phải là không có cơ sở.
Dường như ngày càng nhiều người nhận ra sự ngột ngạt của đô thị. Thế là khi có cơ hội họ về với nông thôn. Người giàu có thì mua một miếng đất vùng ven, gọi là nơi nghỉ cuối tuần. Phổ biến là khi nào rảnh rỗi hoặc cuối tuần kiếm một hàng quán nào đó ở vùng ven, có khi là xa hơn nữa để cùng ngồi với gia đình, anh em bạn bè. Tất nhiên đi cùng với điều này là thu nhập của nhiều người có cao hơn trước.
Chúng ta chịu khó quan sát thì thấy, dịch vụ ở các vùng ven có cảnh quan đẹp, giờ trở thành một lợi thế mà không dễ ở thành phố có được. Ví dụ như ở Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), vùng gần cầu ngói Thanh Toàn giờ những ngày cuối tuần rất sôi động. Nhiều người ở TP. Huế, kể cả khách du lịch đã tìm đến đây. Tôi len lỏi nhiều ngày lên vùng phía tây của TP. Huế, thấy vùng này giờ hết sức sôi động. Ở trong sâu của vùng Châu Chữ (xã Thủy Bằng) với lô nhô những ngọn đồi bát úp giờ nhiều người khai thác làm du lịch, mở nhà hàng, quán cà phê. Xem ra những người đầu tư rất “sành điệu” - từ kiến trúc đến vật liệu được chọn để xây dựng rất gần gũi với thiên nhiên, hướng đến sự thô mộc. Ở vùng Kim Sơn trước đây được xem là một vùng xa lắc thì nay trở nên gần nhờ nhiều dịch vụ được mở ra. Tôi nhận ra một điều, người trẻ bây giờ còn thích nông thôn hơn cả người lớn, ấy là tôi nghĩ vậy qua quan sát được, không biết có đúng không. Ẩn chứa trong họ là một sự mong muốn khám phá và còn… để “check in” nữa. Ý tưởng từ người đưa ra dịch vụ đến người hưởng thụ dịch vụ gặp nhau đã làm cho nhiều vùng quê trở nên sôi động.
Một ví dụ khác là ở huyện A Lưới, huyện Nam Đông. Bây giờ những ngày cuối tuần nếu không đặt phòng trước thì có khi đến đó không có chỗ ở. Xa và khí hậu mát mẻ giờ trở thành lợi thế. Trước đây chúng ta thường nghe nói “làm sao để miền núi tiến kịp miền xuôi”, giờ thì chưa chắc ai tiến kịp ai.
Sống ở nông thôn, người nông dân tuy có lam lũ nhưng họ có cái sướng của họ. Có vài sào ruộng, mảnh vườn là đủ cái ăn. Ai có thêm nghề phụ nữa, giỏi giang một tí thì cũng có thể trở nên khá giả. Ai có nhiều đất ở vùng ven giờ trở thành triệu phú là chuyện thường. Xem ra ở nông thôn cuộc sống ít áp lực hơn ở đô thị. Đó là cái sướng của người nông thôn. Câu trả lời của hai đồng nghiệp của tôi nói trên xem ra có lý - ở nông thôn sướng nhất là không khí.
Thế còn cái khổ? Lễ nghĩa thì tại làm sao lại khổ? Mà khổ đấy, họ có cái lý của họ. Rồi xem xét với thực tế, đúng là lễ nghĩa kiểu đó thì khổ thật. Hết lễ lượt rồi đến cưới hỏi; rồi thôi nôi, đầy tháng. Lâu lâu tôi lại nghe hai anh bạn nói như than: Chà, tháng nay tới ba bốn “đám” cưới. Ở vùng mà một trong hai anh tôi nói (xin không nêu địa danh), tiệc cưới thời nay vẫn y chang như mấy chục năm về trước. Ngày nay tiệc cưới diễn ra thì tối hôm trước phải tổ chức “nhạc sống”. Cũng bày ra mồi mẹc, còn bia thì uống… xả láng, hát đến “mút mùa”. Tất nhiên gia chủ phải lo. Anh bảo nhà nào cũng làm như vậy cả, không thể khác được. Khác là không giống ai. Cho nên, một tiệc cưới thành ra hai tiệc, cái kiểu như “mẹ bồng con”. Phong tục, thói quen… không phải là thứ dễ chỉnh sửa, dẫu biết đôi khi nó cũng gây ra những phiền hà. Nếu chúng ta so sánh mức thu nhập, đôi khi chi phí cho lễ nghi cũng chiếm một tỷ lệ khá cao. Đối với nhiều người cũng là một áp lực.
Nghĩ đi nghĩ lại, làm sao để điều chỉnh những “nghi thức của lễ nghĩa” ngày càng phát sinh cũng là một cách tiết kiệm được một nguồn tài chính lớn để dùng vào việc khác. Một nguồn lực không hề nhỏ của xã hội đã sử dụng vào chuyện tiệc tùng. Không biết các nước khác có những kiểu lễ nghi như ở nước mình.