Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 |
Không quá áp lực
Ghi nhận tại các điểm thi vào lớp 10, sau mỗi môn thi, các thí sinh rời phòng thi trong tâm trạng khá thoải mái. Những học sinh có học lực khá trở lên đa phần làm hết bài thi, những em học lực trung bình cũng tự tin có thể đạt trên 5 điểm. Võ Bá Tường, học sinh Trường THCS Phú Thượng đăng ký thi vào Trường THPT chuyên Quốc Học phấn khởi: “Đề thi các môn vừa sức với em. Chỉ cần ôn tập kỹ là làm được hết bài. Em thấy các bạn trong phòng cũng làm tốt”.
Theo nhận định của giáo viên, đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình THCS hiện hành được tinh giản theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Hơn nữa, các năm trước, do dịch COVID-19 không thể học tập trung thường xuyên nên lứa học sinh này ít nhiều bị ảnh hưởng đến kết quả học tập. Vì vậy, chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo là ra đề bám sát chương trình, không đánh đố học sinh.
Một giáo viên cho rằng, năm nay, hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh đều tổ chức thi tuyển vào lớp 10 nên đề thi vừa sức với đa số học sinh, phù hợp với học sinh ở các vùng miền khác nhau. Với cấu trúc quen thuộc, các câu hỏi rơi vào những phần kiến thức các em mới được học và ôn tập. Những học sinh có quá trình ôn tập chu đáo, kỹ năng làm bài thành thạo sẽ hoàn thành tốt đề thi này. Tuy nhiên, vẫn có một số câu hỏi khó nhằm phân loại học sinh, tạo điều kiện để các em khá, giỏi đạt điểm tối đa.
Ở kỳ thi đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương, phụ huynh và học sinh không quá áp lực, xem đây là cuộc thi đầu đời để các em trải nghiệm, thử sức. Chị Lan, một phụ huynh ở Hương Thủy nói: “Con tôi học ở Trường tiểu học Thanh Tân, tôi cho cháu tham gia thi để thử sức. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, cháu cũng được ôn tập nhiều. Nếu đậu thì tốt, còn không thì đây là trải nghiệm để cháu làm quen với các kỳ thi”.
Đề thi vào Nguyễn Tri Phương dù đều nằm trong chương trình sách giáo khoa nhưng vẫn đòi hỏi học sinh có kiến thức, vận dụng các kỹ năng khi làm bài. Với môn tiếng Việt, ngoài phần đọc hiểu, luyện từ và câu bám sát sách giáo khoa, phần tự luận đòi hỏi học sinh phải nắm vững các yêu cầu của một bài văn tả cảnh, nhất là khả năng sử dụng ngôn ngữ phong phú mới đạt điểm cao. Sau môn kiểm tra tiếng Việt vào buổi sáng, Sỹ Khoa, học sinh Trường tiểu học Vỹ Dạ cho biết: “Em làm bài tốt, nhất là phần tập làm văn yêu cầu tả một cảnh đẹp quê hương mà em yêu thích nhất. Bài này em đã từng làm nên rất tự tin”.
Thí sinh tham gia khảo sát năng lực vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương |
Nâng cao chất lượng giáo dục
Năm nay, trừ hai huyện Nam Đông và A Lưới, tất cả các trường THPT ở các địa phương còn lại đều tổ chức thi tuyển, vì vậy, công tác đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi được ngành giáo dục đặc biệt chú trọng. Nhờ bố trí quy trình thi chặt chẽ, cán bộ coi thi được tập huấn kỹ nên việc tuân thủ các quy định được đảm bảo. Việc tổ chức 3 môn thi chung trong một ngày cũng phần nào giải tỏa tâm lý cho các thí sinh.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Tôi đánh giá rất cao công tác tổ chức coi thi của các điểm thi, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo kỳ thi diễn ra thuận lợi. Từ khâu đề thi đến tổ chức coi thi đều được thực hiện nghiêm túc. Trong suốt kỳ thi, không xảy ra những vấn đề về sức khỏe cũng như khó khăn ảnh hưởng đến các em học sinh, thầy cô giáo tham gia kỳ thi. Như vậy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và đánh giá năng lực vào lớp 6 Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã diễn ra an toàn”.
Đây là năm đầu tiên Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi tuyển vào lớp 10 THPT trên toàn tỉnh, xuất phát từ mong muốn nâng cao chất lượng giáo dục, đánh giá toàn diện năng lực của học sinh. Phương án tuyển sinh như hình thức đang áp dụng hiện nay vừa đánh giá toàn diện vừa tạo cơ hội cho các em học sinh chứng minh được năng lực của mình, đồng thời thực hiện phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS.
Ông Tân nhấn mạnh: “Chúng tôi điều chỉnh phương án tổ chức tuyển sinh như năm nay là sử dụng kết quả học bạ một phần để đánh giá giáo dục toàn diện ở bậc THCS, đồng thời tổ chức thi một số môn để đánh giá năng lực các em học sinh. Như vậy, vừa nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, vừa khảo sát để các trường trên cơ sở này có sự điều chỉnh, đổi mới phương pháp dạy học phù hợp để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục cho địa phương. Đây là nhiệm vụ ngành giáo dục cần tiếp tục phát huy để có kế hoạch, chiến lược lâu dài phù hợp với đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Đến năm 2025, cả nước cũng đổi mới hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT, việc làm quen với hình thức tuyển sinh này sẽ thuận lợi cho học sinh sau này”.