Với lợi thế mạng lưới rộng, sản phẩm dịch vụ đa dạng, các tổ chức tín dụng đã đưa các sản phẩm tài chính đến gần hơn với các đối tượng dân cư, nhất là người yếu thế trong xã hội.
Nguồn vốn tam nông hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương |
Khi các đối tượng yếu thế tiếp cận tín dụng
Mặc dù tập trung phần đông dân số nhưng việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng tại các vùng nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế. Điều này đã dẫn đến nhiều hệ lụy như, người dân tiếp cận với các loại hình tín dụng đen khi có nhu cầu vốn hay đẩy họ vào con đường đói nghèo khi không có vốn, phương tiện phát triển sản xuất. Tuy nhiên trong thời gian qua, các chính sách Nhà nước ban hành giúp tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của người nghèo, đồng bào dân tộc. Những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào đã xuất hiện dần các dịch vụ tài chính chính thống, đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế.
Có thể lấy A Lưới làm ví dụ. Khi cái tên này được nhắc đến, người ta sẽ nghĩ ngay đến một huyện nghèo với gần 75% là người đồng bào dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đa số, khả năng tiếp cận khoa học kỹ thuật thấp. Đó cũng chính là lý do, cái đói, cái nghèo từng ngự trị tại vùng đất này. Tuy nhiên, A Lưới đã dần chuyển mình, nhất về mặt tâm lý, tư duy kinh tế của người dân. Có được điều này, một phần có sự trợ lực từ việc tiếp cận các dịch vụ tài chính.
Câu chuyện của bà Trần Thị Đơn, thôn Diên Mai, xã A Ngo, huyện A Lưới từ một hộ nghèo trở thành một điển hình tiên tiến là một trong những ví dụ sinh động nhất. Vốn là một hộ đồng bào nghèo, không có công việc ổn định lại có 3 người con đang tuổi ăn, tuổi học, không có vốn sản xuất nên cái nghèo mãi cứ đeo đuổi. Cho đến khi, bà được kết nạp làm hội viên của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn thôn Diên Mai, tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Lúc đó, giấc mơ thoát nghèo mới thật sự nhen nhóm.
Khách hàng được tiếp cận với tín dụng là mục tiêu quan trọng của chiến lược tài chính toàn diện |
Theo bà Đơn, tiếp cận vốn tín dụng giúp mình thoát được bế tắc trong suy nghĩ làm gì để thoát nghèo như câu nói “cái khó bó cái khôn”. Khi có vốn, mình mới mạnh dạn mua bò để chăn nuôi, đầu tư mở rộng diện tích đất canh tác. Nhờ đó, gia đình trở nên khấm khá với thu nhập ổn định trên 300 triệu đồng/năm.
Con số thu nhập 300 triệu đồng/năm với một hộ đồng bào thật sự không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo bà Đơn cái bà nhận thấy “được” nhất chính là tư duy phát triển kinh tế gia đình. “Nếu như trước đó làm điều gì cũng thấy sợ thì giờ đây, mình mạnh dạn hơn trong mọi quyết định đầu tư phát triển sản xuất, cũng thường xuyên học hỏi các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng cuộc sống được nâng cao”, bà Đơn cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh chia sẻ, với việc xây dựng và duy trì hoạt động của các phòng giao dịch ở hầu hết các huyện, thị; 141 điểm giao dịch tại 141 xã, phường, thị trấn; 2.340 tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, bản, tổ dân phố. Đồng thời, thực hiện thành công phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Hiện nay, Chi nhánh đang có 90 ngàn khách hàng còn dư nợ, tập trung ở đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng khó khăn về nhà ở, việc làm, đúng như tinh thần của chiến lược tài chính toàn diện. Từ đây, nguồn vốn mang lại những lợi ích, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt hướng lợi ích đến các đối tượng có năng lực tài chính thấp và dễ bị tổn thương.
Nông nghiệp, nông thôn là khu vực được ưu tiên trong phát triển chiến lược tài chính toàn diện |
Đa dạng dịch vụ tài chính nông thôn
Cùng với tín dụng chính sách, các chính sách phát triển mạng lưới dịch vụ ngân hàng của các tổ chức tín dụng cũng nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay có 28 chi nhánh ngân hàng đang hoạt động. Trong đó, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có độ phủ rộng với các phòng giao dịch ở hầu hết các huyện, thị; 141 điểm giao dịch tại phường, xã, thị trấn trên địa bàn; 1 Chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị. Ngoài ra, hệ thống chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phát triển rộng khắp với 1 chi nhánh loại I trực thuộc trụ sở chính là Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế, 11 Chi nhánh loại II đóng trên địa bàn các huyện, thị, thành phố với 27 điểm giao dịch trên toàn tỉnh. Ngân hàng này còn phát triển các chuyến xe giao dịch lưu động ở địa bàn 15 xã của 6 huyện, thị xã, phát triển cho vay qua tổ vay vốn… giúp khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “tam nông”, giúp cho bà con nông dân có điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính.
Ngoài ra, trên địa bàn còn có 12 công ty tài chính có điểm giới thiệu dịch vụ đang hoạt động; 7 quỹ tín dụng nhân dân; 1 quỹ đầu tư phát triển và 1 quỹ bảo lãnh tín dụng của chính quyền địa phương; 3 chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội đang hoạt động.
Theo ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Thừa Thiên Huế có địa hình trải dài trên 5.000km2 với nhiều địa bàn nằm ở vùng sâu, vùng xa, miền núi gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, thiên tai bão lụt thường xuyên. Vì vậy, việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng đến người dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi còn lạc hậu, trình độ tổ chức liên kết còn hạn chế nên một số ngân hàng có phần dè dặt khi đầu tư trong lĩnh vực này.
Song ông Nam khẳng định, ngành ngân hàng không “bỏ quên” khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành của mình, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, POS, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đại lý ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng chưa có hoặc có ít dịch vụ ngân hàng, mật độ còn thấp. Phát triển các kênh phân phối hiện đại dựa trên ứng dụng công nghệ số nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cấp phép thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money cho một số đơn vị, trong thời gian hứa hẹn tới sẽ đem lại nhiều tiện ích cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Và để đưa dòng vốn tín dụng về với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã có nhiều giải pháp chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn vốn để cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng thuộc khu vực nông thôn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định trần lãi suất cho vay ưu tiên ngắn hạn bằng đồng Việt Nam thấp hơn lãi suất sản xuất kinh doanh thông thường khác (hiện ở mức 4,5%/năm).
Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã chủ động, tích cực rà soát các cơ chế, chính sách về hoạt động tín dụng theo hướng giảm bớt các thủ tục, giấy tờ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nội bộ để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn.
(còn nữa)
Bài 2: Cú hích từ chuyển đổi số