leftcenterrightdel
 

Những năm tháng cuối đời, ngoại tôi bị tai biến nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải có người lo toan. Ông ngoại tôi cũng đã lẫn, chân tay yếu, chỉ có thể ngồi bên giường chuyện trò cùng mệ. Mệ chả thể nói được gì nhiều ngoài vài từ đơn giản, như “có”, “không”, “khỏe”, “mệt”, nhưng ông tôi hiểu được, dường như hai người có mối giao cảm đặc biệt.

Ông bà cưới nhau đã hơn 60 năm, nắm tay nhau đi qua một kiếp người đằng đẵng, cùng nhau khai phá vùng đất mới, trồng khoai, sắn, cây ăn quả, nuôi heo, nuôi thỏ, làm đủ thứ nghề để trang trải cho tám người con ăn học đến nơi đến chốn. Tuy đã gần đất xa trời, nhưng theo lời mẹ tôi kể, ông bà vẫn gọi nhau bằng “anh - em”, ngọt ngào như đôi trẻ mới cưới khi không có mặt con cháu. Mỗi khi mệ có việc đi đâu, ông ở nhà sốt ruột cứ hỏi cậu dì tôi miết, làm mệ vừa bực lại vừa thương.

Mệ tôi nằm được nửa năm thì ra đi đột ngột sau một cơn nhồi máu cơ tim, chưa kịp trăn trối điều gì với con cái. Dẫu biết cái chết là sự giải thoát cho mệ, nhưng đến bây giờ mọi người vẫn còn hụt hẫng và đau xót. Buổi sáng, dì giúp việc còn đút cháo loãng cho mệ, ai cũng mừng vì mệ không còn phải ăn qua ống nữa, ông tôi cầm tay mệ hỏi: “Rứa mẹ có thương tui khôn?”, mệ không nói gì, ông tôi lại hỏi: “Rứa là mẹ không thương tui phải không?”, mệ tôi cười ngây ngô như đứa trẻ. Ông tôi giả bộ “lẫy” đi về phía cửa, mệ tôi bỗng nói lớn: “Thương”, chữ thương kéo dài nghe da diết. Ông tôi khựng lại, quay đầu nhìn mệ tôi.

Đến bây giờ, mỗi khi nhìn di ảnh của mệ, ông lại gạt nước mắt nói: “Răng mạ mới nói thương ba đó mà đi liền rứa?”, sau câu hỏi đó là một bầu không khí im lặng. Ngày đám tang mệ, ông chống gậy, đứng trước quan tài khóc rưng rức, vẫn lặp đi lặp lại câu hỏi đấy. Sự trùng hợp đó đã ám ảnh tâm trí ông suốt một năm qua, khiến sức khỏe ông sa sút nhiều. Trước đây ông vốn sắc sảo, hoạt bát nhưng bây giờ những điều ông có thể nhớ được chỉ là những kỷ niệm về mệ, buồn có, vui có, và cả những chuyện ông khiến mệ giận mà đến lúc mệ sắp mất ông vẫn chưa thể nào chuộc lỗi.

Bây giờ, cũng chỉ có hai điều mà ông thích là được về làng thăm bà con và viếng mộ mệ; chiều ý, thi thoảng cậu tôi lại lái xe chở ông đi. Mỗi lần nghe sắp được đi thăm mệ, khuôn mặt ông bừng sáng, nụ cười tươi vui và hồn nhiên. Từ đường chính lên mộ phải đi qua một con dốc cao nhưng ông vẫn cố gắng leo để “gặp” cho được “người thương”. Ông tôi thường tâm sự với con cháu: “Ba già rồi, chắc cũng sắp được về với mạ, ba nhớ mạ quá”, mộ ông đã được xây sẵn bên cạnh mệ như ước nguyện của hai vợ chồng.

Quen nhìn ông bà gắn bó với nhau như đôi chim uyên ương, giờ chỉ còn mình ông lẻ bóng, tôi thấy sao mà trơ trọi. Dẫu con cháu sum vầy, thương yêu nhưng không sao khỏa lấp nỗi trống vắng trong tâm hồn ông, đôi mắt ông vẫn xa xăm và trĩu nặng. Vậy mới biết, cái nghĩa vợ chồng lớn lao đến nhường nào, hai tiếng bạn đời sâu sắc biết bao nhiêu!

THỤC ĐAN